Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thì hiện nay tại Việt Nam, các văn bản chuyên biệt cho lĩnh vực không gian ngầm đô thị cũng đã được ban hành (NĐ 41/2007/NĐ-CP; NĐ39/2010/NĐ-CP; Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, về thiết kế và xây dựng công trình ngầm). Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất mới với Việt Nam nên việc triển khai thực hiện, quản lý khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do vậy, Việt Namcần thiết phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm quản lý sử dụng, khai thác không gian ngầm có hiệu quả hơn.
Phát triển không gian ngầm là hướng đi của đô thị hiện đại
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đưa ra các nội dung mà Bộ Xây dựng cần MLIT hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này như: Hỗ trợ xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến xây dựng công trình ngầm, bao gồm: Bãi đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm, hầm đậu ô tô, hầm đi bộ trong đô thị, Tuy-nen, hào kỹ thuật, các tuyến phố ngầm, nhà ga ngầm; các tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ, ngập úng trong lĩnh vực này; hỗ trợ hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian đô thị ngầm và ban hành hướng dẫn này. Về công tác quản lý, Bộ Xây dựng mong muốn MLIT hỗ trợ xây dựng dữ liệu về không gian ngầm đô thị, trong đó, hỗ trợ thí điểm lập bản đồ hiện trạng công trình xây dựng ngầm cho đô thị, từ đó có thể nhân rộng phương pháp lập cơ sở dữ liệu; đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý, quy hoạch xây dựng công trình ngầm; hỗ trợ tổ chức hội thảo, hội nghị liên quan xây dựng đô thị ngầm…
Ông Nakai cho biết Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm phát triển hệ thống bãi đỗ xe ngầm về phát triển chính sách và thực hiện chính sách, vì đây là hạng mục quan trọng để giữ cảnh quan đô thị và giao thông thông suốt. Thêm đó, Hiệp Hội Ocaji sở hữu nhiều công nghệ liên quan đến phát triển công trình ngầm, nên Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Namtrong lĩnh vực này…. Những nội dung mà BXD đề nghị hợp tác khá rộng cần thực hiện trong thời gian dài và có sự hợp tác nhiều bên liên quan. MLIT hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Namtrong lĩnh vực này.