Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012: Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Hội nghị Chính phủ họp với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2012 vừa diễn ra, một trong những nhiệm vụ lớn được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh trong năm tới là quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhất là DN sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sẽ gỡ vốn cho DN

Lo ngại tình trạng đổ vỡ vì thiếu vốn sẽ lan truyền trong cộng đồng các DN, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đại diện các tỉnh, thành đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo có lộ trình hạ lãi suất cho vay, sớm xem xét ban hành những chính sách, biện pháp hỗ trợ DN như giảm thuế, cho nợ tiền thuê sử dụng đất trong một thời hạn nhất định.

Đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Tinh thần chung là xông vào cùng với DN tính toán tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ". Hiện nay, khó khăn lớn nhất của DN là lãi suất cao, muốn giảm lãi suất phải giảm lạm phát. Mục tiêu phấn đấu năm 2012 là đưa chỉ số giá tiêu dùng xuống 9%, theo đó Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh giảm dần lãi suất phù hợp với lạm phát. Lãi suất ở đây là lãi suất thực dương, tức người gửi tiền có lãi suất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng. "Nếu năm 2012 chúng ta kiểm soát được lạm phát 9% thì tiền gửi vào chênh so với 9% một ít là có lãi suất dương... Như thế, việc kéo lãi suất xuống mới hợp lý, chứ lạm phát còn cao mà kéo lãi suất xuống thì rất khó" - Thủ tướng nói.

Một tin vui dành cho các DN khi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thông báo đã nhận được tin Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ ra phán quyết yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ không được đánh thuế chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của một số nước, trong đó có Việt Nam. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao, kinh tế, các hiệp hội ngành hàng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, qua đó mang lại cơ hội tăng cường xuất khẩu cho các DN Việt Nam.

Nhập siêu dưới 10%

Với tinh thần của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hạn chế nhập siêu, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% (bằng năm 2011). Giảm nhập siêu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không phải là thiết yếu, nâng chất lượng các sản phẩm hàng hóa trong nước… Bộ Công Thương cho biết, sắp tới đây sẽ dừng cấp phép tạm nhập tái xuất đối với hàng tươi sống.

Bên cạnh các giải pháp kiểm soát nhập siêu, năm 2012 Chính phủ chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế trong đó tập trung vào đầu tư công, DN nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Trong tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu đầu tư công trước hết là giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội để ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt và lâu dài; nâng cao chất lượng đầu tư công; tập trung đầu tư vào các công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Hiện nay nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn chỉ có 180.000 tỷ đồng (cả trung ương và địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ chỉ có 45.000 tỷ đồng, tổng hợp các nguồn vốn nêu trên là 225.000 tỷ đồng, mới được phân nửa so với nhu cầu của các dự án đang triển khai. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần có sự chia sẻ.

Để đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần hết sức chú trọng tới công tác kiểm soát giá cả, thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bất hợp  pháp; thực hiện chính sách bình ổn giá; chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo…

Tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực nhất trí của các bộ, ngành, địa phương… ngay từ ngững ngày đầu, tháng đầu năm 2012, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển đề ra từ Hội nghị lần này.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị về vấn đề giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ cho phép Hà Nội ban hành chính sách tổng hợp từ hành chính đến kinh tế… Chủ tịch TP cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ chế thu hút đầu tư linh hoạt, theo nhiều hình thức, đặc biệt là hình thức PPP (công tư) để huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng công cộng. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ di dời trụ sở làm việc để giảm tải trong nội đô.