KTĐT - Tính đến tháng 5/2010, cả nước có thêm 33.982 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số lên 496.101 doanh nghiệp; vốn đăng ký gần 2.313.000 tỷ đồng (khoảng 121 tỷ USD); trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa ((DNNVV) chiếm đến 97% và trên 50% lao động trong doanh nghiệp, ước tính đóng góp khoảng trên 40% GDP.
Mặc dù các doanh nghiệp này đóng góp một phần đáng kể vào cơ cấu GDP của cả nước nhưng theo ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Hiện các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, hầu hết các DN đều gặp khó khăn về vốn, khó tiếp cận đất đai, mặt bằng, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, quản trị DN yếu kém, thị trường nhỏ, khó liên kết với các DN lớn... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đang được xây dựng và hoàn thiện nên còn chồng chéo, tính hiệu lực và minh bạch chưa cao, hay thay đổi nên khó tìm hiểu, áp dụng.Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV phát triển nhưng ông Hiếu cũng công nhận một thực tế là, công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn đang là lĩnh vực ít kinh nghiệm đối với cơ quan, cấp chính quyền. Điều này làm phát sinh không ít vấn đề trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, đây lại là hoạt động vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như sự phát triển của nhóm này.
Tại hội thảo "Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp năm 2010. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất đơn giản hóa thủ tục quản lý như: loại bỏ quy định, giấy tờ, mẫu biểu hồ sơ hay các chỉ tiêu không cần thiết, không hợp lý trong mẫu biểu kê khai... Đẩy mạnh phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính ở các đơn vị cơ sở, quan hệ trực tiếp với người nộp thuế, người khai hải quan để rút ngắn trình tự thủ tục và thời gian... Theo Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV, ông Tô Hoài Nam: Đểđẩy nhanh việc phát triển DNNVV, trong thời gian tới nhà nước cần ưu tiên tài trợ kinh phí cho các chương trình: đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị kỹ thuật theo chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất của các DNNVV đối với các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và an toàn môi trường; cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về định hướng thị trường, phân tích thị trường trong nước và quốc tế; tài trợ cho các chương trình sự kiện có khả năng tạo được sự gắn kết, liên kết mạnh mẽ các DNNVV với nhau theo ngành hàng, theo vùng miền. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần trợ giúp doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, huy động các nguồn lực tài chính; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu; thực hiện cải cách hành chính, nhất là về thủ tục thuế, hải quan và đăng kýthành lập…
Đại diện Bộ Công thương cho biết: để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thời gian tới, Bộ sẽ chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghệp theo vùng lãnh thổ đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, trong năm 2010, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan ban hành văn bản thay thế Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.