Lý do là bởi theo quy định tại Luật DN, hộ kinh doanh lại bị hạn chế về quyền kinh doanh nhiều hơn so với các loại hình DN khác. Cụ thể: Mỗi hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại địa điểm; phạm vi kinh doanh của phần lớn các hộ kinh doanh chủ yếu trong địa giới hành chính quận, huyện, nơi hộ kinh doanh có đăng ký; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nơi khác. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế về quy mô lao động, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động thường xuyên. Trong khi đó, đối với một số ngành nghề kinh doanh (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…), pháp luật yêu cầu tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân và vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định, nhằm đảm bảo an toàn trong kinh doanh. Vì vậy, hộ kinh doanh – loại hình tổ chức kinh doanh tuy không bị hạn chế quy mô vốn, nhưng lại không có tư cách pháp nhân, không có vốn điều lệ - hầu như không thể tham gia một cách chính danh vào các lĩnh vực, ngành nghề này.
Tiếp đến là vấn đề huy động vốn. Thông thường, ngoài việc tự tích lũy, tái đầu tư từ lợi nhuận, DN có thể huy động thêm vốn vay hoặc vốn góp. Trong khi đó, hộ kinh doanh kém lợi thế nhất trong việc huy động vốn, do không thể huy động vốn góp như công ty trách nhiệm hữu hạn và đặc biệt là công ty cổ phần để mở rộng phạm vi, ngành lĩnh vực hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Khi chuyển thành DN, hộ kinh doanh sẽ có nhiều quyền tự do kinh doanh hơn; cơ hội vay vốn được nhiều và dễ dàng hơn; thuê lao động có tay nghề cao; thực hiện các nghĩa vụ thuế và các thủ tục của Nhà nước một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn… Vì vậy, sẽ tạo được sự tin cậy trong quan hệ đối với các đối tác kinh doanh…
Thời gian qua, cùng với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, sắp tới là luật hỗ trợ loại hình DN này cũng sẽ được ban hành… là những điều kiện thuận lợi mà các hộ kinh doanh sẽ được hưởng khi chuyển thành DN.