Những con số đáng lo ngại
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (KTAT&MTCN) của Bộ Công Thương cho biết, các lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất trong ngành Công Thương là than, thép, điện lực. Trong đó năm qua, số vụ TNLĐ chết người ngành than tăng tới 76,5%, số người chết tăng 78,9% so với năm 2011… Đặc biệt, khâu xây dựng đập thủy điện còn tồn tại tình trạng thi công sai thiết kế, giám sát thi công lỏng lẻo, dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Sau khi đập được vận hành, một bộ phận không nhỏ chủ đập chỉ quan tâm đến phát điện thu hồi vốn mà không chú trọng đến kiểm định, kế hoạch bảo trì, đảm bảo đập luôn ở tình trạng an toàn đủ khả năng đón lũ…
Đáng chú ý trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng, hiện tượng gian lận về chất lượng, đo lường chưa tuân thủ điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu, LPG còn diễn biến phức tạp. Hiện mới có 9 cơ sở sản xuất, sửa chữa mặt hàng này (đạt gần 56%) và 13 trạm kiểm định (chiếm gần 40%) thực hiện đúng theo quy định.
Nâng cao nhận thức từ cấp lãnh đạo
Ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục KTAT&MTCN nhận định, nguyên nhân đầu tiên của những bất cập trong công tác an toàn lao động (ATLĐ) ngành Công Thương chính là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật an toàn về công tác này chưa đáp ứng kịp thời với thực tế quản lý. Một nguyên nhân trực tiếp còn là do nhiều cơ sở sản xuất và ngành nghề vẫn sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, điều kiện làm việc xuống cấp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Quan trọng hơn, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về công tác ATLĐ chưa đầy đủ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động cũng như hiểu biết về ATLĐ hạn chế…
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương vừa kiện toàn Ban Chỉ đạo an toàn CN ngành Công Thương với 20 thành viên, nhằm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tại các tập đoàn, DN trực thuộc. Xác định mục tiêu quan trọng trong năm 2013 là giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cũng như các sự cố cháy nổ so với năm ngoái, Bộ đã yêu cầu các tập đoàn, DN củng cố bộ máy làm công tác an toàn, rà soát hoàn thiện quy trình sản xuất, nội quy an toàn, củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe, cấp cứu tại chỗ cho NLĐ…
"Điều DN cần làm trước tiên là nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATLĐ, mà bắt đầu từ chính người lãnh đạo. Bên cạnh việc dành một nguồn kinh phí thường xuyên cho ATLĐ, DN cũng cần tăng cường huấn luyện công tác an toàn cho NLĐ, có như vậy công tác này mới được thực hiện tốt" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.