Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chiêu lách luật: Sim rác vẫn bày bán tràn lan

Nguyễn Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/11/2016, cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi sim rác (sim điện thoại di động kích hoạt sẵn).

Đến nay, đã gần 4 tháng thực hiện, song trên thực tế, việc mua bán sim rác vẫn khá phổ biến với đủ những chiêu lách luật.
Có cầu ắt có cung
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố của Hà Nội: Hàng Trống (Hoàn Kiếm), Nguyễn Thái Học (Đống Đa), Kim Mã (Ba Đình), Mỹ Đình (Nam Từ Liêm)… việc mua và bán sim rác vẫn diễn ra công khai. Tại một điểm bán sim thẻ trên phố Hàng Trống, trong vai khách hàng, khi phóng viên hỏi mua hai sim di động kích hoạt sẵn và tỏ ý lo ngại liệu có bị khóa sim hay không, chủ cửa hàng tuy có chút thận trọng khi trả lời, nhưng vẫn trưng ra danh sách cả trăm số điện thoại thuộc các nhà mạng lớn như VinaPhone, MobiFone và Viettel cho khách chọn. Khi định chụp ảnh danh sách số thuê bao này để về chọn sau, chủ cửa hàng liền cản: “Anh mà chụp ảnh, công an họ nhìn thấy sẽ bắt chúng tôi thu dọn lại đó”.
Danh sách sim kích hoạt sẵn vẫn được rao công khai tại một đại lý ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đến một đại lý sim thẻ ở phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), khi hỏi sim kích hoạt sẵn, nhân viên bán hàng liền xoay bảng danh sách các thuê bao để sẵn trên mặt quầy cho xem. Qua các danh sách có thể thấy, thuê bao kích hoạt sẵn có đủ cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, nhưng giá sim kích hoạt sẵn của Viettel có thấp hơn chút ít, phổ biến ở mức 150.000 - 250.000 đồng/sim. Nhân viên bán hàng thừa nhận, giá có cao hơn dăm chục nghìn đồng so với trước thời điểm cơ quan chức năng thực hiện xóa bỏ sim rác (1/11/2016). Nhân viên bán hàng còn dặn thêm: Nhớ gọi sớm vài cuộc, nếu có nhu cầu thì đăng ký sau.
Sau vài ngày dùng những chiếc sim kích hoạt sẵn nói trên, phóng viên mang đến cơ sở làm thủ tục đăng ký chính chủ. Lúc này nhân viên đăng ký kiểm tra và cho biết, những sim này đã đăng ký sẵn bởi tên của nhân viên cửa hàng rồi. Nếu muốn đăng ký lại theo tên mình thì phải đến gặp nhân viên đó để làm văn bản sang tên…
Những chiêu trò cũ
Trong quá trình tìm hiểu thêm, phóng viên nhận thấy, thủ thuật mà các cửa hàng bán sim rác thường làm là dùng số chứng minh thư của một người đăng ký hàng loạt thuê bao, thậm chí lợi dụng ngay số chứng minh thư của khách để đăng ký hàng loạt sim khác. Do vậy, có người khi đi đăng ký số điện thoại di động trả trước đã bất ngờ khi biết số chứng minh thư của mình đã được dùng để đăng ký tới 5 - 6 số thuê bao di động mà bản thân mình không hề hay biết. Theo tiết lộ của một chị làm đại lý sim thẻ điện thoại, do phải đảm bảo doanh số thì mới tiếp tục được nhập sim với giá ưu đãi nên chủ cửa hàng thường tranh thủ thông tin cá nhân của người thân, bạn bè và cả khách hàng để đăng ký, kích hoạt sim và nạp tiền, tạo ra phát sinh cước hàng tháng để sim không bị thu hồi. Những sim kích hoạt sẵn thường chỉ còn thời gian sử dụng ngắn, do đã được kích hoạt từ lâu.
Theo quy định của các nhà mạng, thường sau 1 - 2 tháng nếu không có giao dịch thành công sim sẽ bị khóa hai chiều, hoặc bị khóa sim, thu hồi đầu số. Nhưng chỉ cần phát sinh giao dịch: Nạp tiền, gọi, nhận cuộc gọi sẽ tiếp tục kéo dài thời gian hoạt động. Vì vậy, khi mua sim khích hoạt sẵn, chủ cửa hàng thường nhắc khách nạp một khoản tiền nhỏ vào để kéo dài thời gian sử dụng, hoặc chính cửa hàng đã nạp sẵn tiền để “nuôi” sim không bị khóa trước khi bán cho khách hàng... Thế nên, nhiều người lo ngại, với những chiêu lách luật nêu trên, thì khó tránh được tình trạng sim rác phát sinh sau thu hồi?
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, sau 3 đợt ra quân xử lý sim rác kéo dài từ cuối tháng 11/2016 tới nay, Bộ đã yêu cầu 5 nhà mạng thu hồi tổng cộng hơn 19 triệu sim kích hoạt sẵn. Tính đến hết tháng 1/2017, các DN viễn thông di động đã triển khai thu hồi gần 18 triệu sim dạng này đã đưa ra thị trường.