Hiện Phần Lan đang nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm giày dép, nội thất, dệt may, thiết bị văn phòng và CNTT. Các lĩnh vực tiềm năng trong tương lai sẽ là CNTT, công nghệ sạch, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, kinh doanh giáo dục, đầu tư. Đến thời điểm này đã có 60 - 100 công ty Phần Lan có đại diện tại Việt Nam.
Cơ hội kinh doanh tại thị trường Phần Lan càng lớn hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang trong tiến trình đàm phán sắp được ký kết. Hiện Phần Lan và Việt Nam đang tìm kiếm các cách thức hợp tác mới, chẳng hạn các quan hệ đối tác giữa những công ty và các tổ chức.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đặc biệt, chính sách Phát triển Phần Lan cũng hỗ trợ năng lực thương mại của các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, Phần Lan còn có một số công cụ hỗ trợ quan hệ đối tác kinh doanh ở cả 3 cấp độ: Toàn cầu, khu vực, chương trình song phương ở cấp quốc gia.
Trong đó, Chương trình hỗ trợ toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, có thể cung cấp các khoản vay hay đầu tư cổ phần trong các dự án có quan tâm chính của Phần Lan (như quyền sở hữu, công nghệ, thiết bị, quan hệ đối tác), hoặc các tác động chính về môi trường. Chương trình hỗ trợ khu vực, trong đó có Việt Nam, tập trung vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và công nghệ sạch. Còn Quỹ hợp tác địa phương của Phần Lan chính là một công cụ thúc đẩy quan hệ đối tác tư nhân giữa Phần Lan và Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực CNTT, công nghệ môi trường và công nghệ sạch…