Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều địa phương vẫn thờ ơ với an toàn đường sắt

Ngọc Hải – Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 2 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội bàn giao việc quản lý lối đi tự mở qua đường sắt cho UBND các quận, huyện trên địa bàn TP quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự, ATGT. Nhưng đến nay, thực trạng bỏ ngỏ quản lý đường ngang tự phát, để mặc người dân lấn chiếm hành lang đường sắt vẫn diễn ra phổ biến, nhất là địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín.

Để đảm bảo ATGT, ngành đường sắt đã phối hợp với địa phương xây dựng hàng rào bằng sắt kiên cố, cao hơn 1m tại các khu vực đông dân cư sinh sống dọc tuyến đường sắt qua hai huyện: Thanh Trì, Thường Tín.
 Tàu chạy Bắc Nam qua xã Hà Hồi, huyện Thường Tín. Ảnh: Ngọc Hải
Thế nhưng, nhiều người dân lại chưa ý thức được sự nguy hiểm, cố tình cưa rào tạo lối đi để vào bên trong hành lang đường sắt đổ rác thải, trồng rau… Cùng với đó, hàng loạt lối đi tự phát qua đường sắt vẫn tồn tại trên địa phận: Phố Tía, xã Tô Hiệu, phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín); xã Ngọc Hồi (xã Thanh Trì) mà không có cảnh báo.
Đặc biệt, thời điểm trước 1/4, nhiều người còn mang bàn ghế ra bán giải khát trên khoảng trống giữa đường sắt và đường bộ, bất chấp nguy hiểm từ cả hai phía. Điều đáng nói là, chính quyền hai huyện Thanh Trì, Thường Tín tỏ ra khá thờ ơ với công tác đảm bảo an toàn hành lang đường sắt nên người dân cũng chẳng mặn mà. Nhiều người dân sống ở khu vực ven đường sắt tại huyện Thường Tín cho biết, đường ngang do gia đình họ tự mở phục vụ đi lại, sinh hoạt nhiều năm nay. Họ cũng chẳng biết là đơn vị nào quản lý, UBND xã, huyện cũng không có thông báo gì về việc này.

Trong khi đó, với nhiều người khác, việc bỏ ngỏ quản lý hành lang đường sắt lại là một nỗi lo thường trực. Chị Hoàng Thị Hà, sống tại phố Tía, xã Tô Hiệu cho biết: “Đoạn rào chắn đường sắt gần đây bị cưa phá tan hoang. Vì thế, hai cháu nhỏ nhà tôi lúc nào cũng phải giữ trong nhà không dám cho đi ra ngoài chơi vì sợ các cháu chạy vào bên trong đường ray đùa nghịch”.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh: “Đường sắt ít xảy ra tai nạn giao thông, tuy nhiên mỗi khi tai nạn sẽ để lại hậu quả rất lớn. Do đó, công tác quản lý, đảm bảo ATGT dọc theo các tuyến đường sắt, đặc biệt là tại các lối đi tự mở là hết sức quan trọng”. Ông Tuấn cũng cho biết, từ ngày 26/2, UBND cấp quận, huyện là đơn vị trực tiếp quản lý hồ sơ các lối đi tự mở qua đường sắt. Điều này giúp các quận, huyện chủ động hơn trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT, kéo giảm TNGT liên quan đến đường sắt trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kể từ khi nhận bàn giao từ Sở GTVT Hà Nội đến nay, một số địa phương, trong đó có huyện Thanh Trì, Thường Tín vẫn tỏ ra khá thờ ơ với công tác quản lý đường ngang qua đường sắt. Bên cạnh đó, việc xâm hại hành lang ATGT đường sắt trên hai địa bàn này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Hà Nội hiện có 6 tuyến đường sắt đi qua 18 quận, huyện với tổng chiều dài khoảng 162,11km gồm: Hà Nội-TP Hồ Chí Minh dài 40,85km; Yên Viên - Lào Cao dài 37,0km; Gia Lâm - Hải Phòng dài 11,61km; Hà Nội - Đồng Đăng dài 13,6km; Đông Anh - Quán Triều dài 20,3km; Bắc Hồng - Văn Điển dài 38,7km.