Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn của ông Nguyễn Bá Phong, trú tại số 536 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, phản ánh về việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Đông Anh (Agribank Đông Anh) cố ý không giải chấp tài sản thế chấp và có dấu hiệu lợi dụng nghiệp vụ nhằm phục vụ lợi ích riêng.
Theo phản ánh, năm 2009, ông Phong nhận chuyển nhượng một ngôi nhà cấp bốn và 708m2 đất ở tại thôn Đìa, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh của ông Nguyễn Văn Dũng. Thửa đất này có nguồn gốc của gia đình ông Ngô Văn Lệ, ở thôn Đìa chuyển nhượng cho ông Dũng năm 2001 (hợp đồng chuyển nhượng có xác nhận của chính quyền xã Nam Hồng). Tháng 10/2014, khi tiến hành thủ tục làm sổ đỏ, ông Phong nhận được thông tin thửa đất mà ông sử dụng thuộc diện đang thế chấp tại Agribank Đông Anh. Tìm hiểu sự việc, ông Phong được biết, trước đó, gia đình ông Lệ có vay vốn và thời điểm hiện tại còn nợ Ngân hàng khoảng 50 triệu đồng. Để giải quyết nhanh việc cấp sổ đỏ, ông Phong tự nguyện ra Phòng giao dịch Nam Hồng (Agribank Đông Anh) xin được nộp số tiền nợ xấu của hộ ông Lệ nhưng Ngân hàng không đồng ý với lý do người vay vốn phải tự nộp khoản nợ của mình, ông Phong không liên quan nên có muốn nộp hộ cũng không được.
Cực chẳng đã, ông Phong đã làm đơn phản ánh sự việc đến Hội sở chính của Agribank. Ngày 8/12/2014, Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ Agribank có Giấy báo tin số 8286/NHNo-KTNB với nội dung “Theo quy định về phân cấp ủy quyền, Agribank đã chuyển đơn đến Giám đốc Agribank Đông Anh để giải quyết và có văn bản trả lời người đứng đơn”. Thế nhưng đến nay, vẫn không có văn bản trả lời nào từ phía Agribank Đông Anh, và việc hoàn thiện hồ sơ cấp sổ đỏ của ông Phong tiếp tục bị dừng lại.
Theo hồ sơ Agribank Đông Anh cung cấp, từ năm 1994 - 1997, gia đình ông Lệ 5 lần vay tiền Ngân hàng để kinh doanh, tổng số tiền vay là 110 triệu đồng, tài sản bảo đảm tất cả các món vay trên đều là mảnh đất diện tích 708m2 và tài sản gắn liền trên mảnh đất đó của gia đình. Hồ sơ vay vốn gồm đơn xin vay và tờ khai thế chấp tài sản có xác nhận của UBND xã Nam Hồng. Đến năm 2003, khi gia đình ông Lệ không có khả năng trả nợ (tính đến 13/2/2003, tổng số nợ hơn 208 triệu đồng), Agribank Đông Anh đã thoả thuận cho phép gia đình ông Lệ tự bán tài sản cho một người khác dưới sự giám sát của Ngân hàng nhằm thu hồi vốn cho Nhà nước. Giao dịch đã được thực hiện với sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng. Tại thời điểm trước ngày 26/3/2004, Agribank Đông Anh đã thu nợ tổng số tiền 220 triệu đồng bằng nguồn tiền giao dịch bán tài sản.
Điều đáng nói là Agribank Đông Anh trước khi thỏa thuận với gia đình ông Lệ để bán tài sản đã biết việc ông Dũng mua khối tài sản trên năm 2001 và cho rằng việc mua bán không hợp lệ ngay cả khi có xác nhận của UBND xã Nam Hồng. Phải chăng Agibank Đông Anh “khuyến khích” khách hàng của mình bán một khối tài sản 2 lần chỉ nhằm mục đích thu hồi nợ? Hơn nữa, tại sao một hộ gia đình từ tháng 10/1994 - 9/1997 (gần 3 năm) lại được Agribank Đông Anh cho vay 5 lần cho dù tất cả các khoản vay trước đó đều quá hạn, không có khả năng thanh toán. Đây là sự lỏng lẻo trong quản lý vay vốn của Ngân hàng hay có lợi ích riêng trong việc cho khách hàng vay vốn?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hữu Hòa - Giám đốc Agribank Đông Anh cho biết, đây là tồn tại từ những nhiệm kỳ giám đốc trước khiến ông “đau đầu” phải giải quyết. Việc một hộ gia đình được Ngân hàng cho vay nhiều lần khi chưa giải chấp nợ cũ là “chuyện thời đấy nó thế”. Việc Ngân hàng biết ông Lệ đã bán tài sản trước đó nhưng vẫn tìm người và làm chứng để giao dịch bán lần 2, theo ông Hòa, là Ngân hàng thời đó có quyền làm vậy dựa trên một văn bản nào đó thời đấy mà ông không nhớ. Phản ánh của ông Phong về việc Agibank Đông Anh không trả lời ông bằng văn bản theo yêu cầu của Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ Agribank, ông Hòa khẳng định: “Ông Phong không liên quan gì trong việc nhà ông Lệ cho nên Agribank Đông Anh không có trách nhiệm trả lời”!?.
Trụ sở Agribank Đông Anh.
|