Với việc hiểu và nắm rõ nhu cầu của từng đối tượng, các cấp hội còn cung cấp các kỹ năng cần thiết cho mỗi hội viên phụ nữ, trẻ em nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại...
Hiệu quả từ CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”
Không chỉ may mắn tìm được nhà trọ ưng ý qua mô hình câu lạc bộ (CLB) "nhà trọ an toàn, nhà trọ văn hóa, nhà trọ thân thiện" tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, chị Phùng Thị Hằng (công nhân Công ty SEI, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) còn được Hội LHPN tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, phổ biến kiến thức pháp luật...
Tập huấn kỹ năng tự vệ, thoát hiểm giúp cuộc sống của phụ nữ, trẻ em được an toàn hơn. Ảnh: Trần Thảo |
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Chung Lê Thị Minh Nhàn, xuất phát từ thực tế, các nữ công nhân lao động rất muốn được thuê nhà trọ an toàn, Hội đã học hỏi kinh nghiệm, triển khai xây dựng mô hình nhà trọ an toàn. Trên cơ sở số lượng nhà trọ cho thuê của hội viên, Hội LHPN xã đã chọn hơn 60% trong số này đủ điều kiện là nhà trọ an toàn, văn minh, thân thiện.
Thông qua mô hình, nữ công nhân lao động ở trọ còn được cung cấp các kỹ năng cần thiết để có việc làm bền vững... Đây là một trong những chương trình Hội LHPN huyện Đông Anh phối hợp, kết nối, khai thác các nguồn lực từ tổ chức phi chính phủ Plan Việt Nam, lồng ghép nhiều hoạt động, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN huyện đã thành lập 52 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS trên địa bàn. Mỗi câu lạc bộ có 30 thành viên đều cam kết hành động vì bình đẳng giới trong trường học và cộng đồng.
Các CLB duy trì sinh hoạt một buổi/tuần, với các chuyên đề về bình đẳng giới, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em... góp phần nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em cho cán bộ hội viên phụ nữ, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách của 56 trường tiểu học, THCS.
An toàn hóa công trình công cộng
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, để đảm bảo an toàn từ gia đình, trong trường học và trong môi trường xã hội cho phụ nữ và trẻ em, năm 2019, các cấp hội LHPN Huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Xây dựng các mô hình TP an toàn, thân thiện; mô hình an toàn cho trẻ em gái trong trường học, trên đường đi học và về nhà; trong sản xuất chế biến; mô hình Ngôi nhà bình yên…
Với chủ đề “Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời”, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn kỹ năng tự vệ, thoát hiểm cho phụ trách thiếu nhi, giáo viên thể dục tới 24 cơ sở hội, các trường THCS trên địa bàn. Hay với các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Con đường an toàn”, “Trường học an toàn”, “Điểm sinh hoạt cộng đồng an toàn”… các cấp hội đã tổ chức cùng phụ nữ và trẻ em đi bộ từ nhà đến trường, từ nhà đến cơ quan, từ nhà ra các điểm sinh hoạt cộng đồng, ao hồ… xem nơi nào có nguy cơ mất an toàn. Sau đó, các đơn vị tổng hợp lại và kiến nghị, đề xuất lên huyện để có các giải pháp cụ thể giải quyết.
Ngoài ra, nhiều giải pháp khác cũng được đề ra như huyện đã có đề án kè ao hồ trong các khu dân cư, xây dựng lan can để không xảy ra tình trạng đuối nước; bổ sung đèn chiếu sáng đường thôn xóm; trồng 25.000 cây xanh tiêu chuẩn đô thị để thay đổi môi trường; tập trung vào 155 điểm sinh hoạt cộng đồng sáng, xanh, sạch, đẹp. Qua đó, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong cam kết của người dân, cộng đồng trong việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ.