Theo thống kê của Cục ATTP, từ đầu năm đến nay, Cục đã triển khai 20 đoàn thanh, kiểm tra về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó có 67 vi phạm về quảng cáo phạt hơn 2,5 tỷ đồng, 19 vi phạm về chất lượng, 14 vi phạm không thực hiện công bố sản phẩm quy định, 5 vi phạm về nhãn và 2 vi phạm điều kiện sản xuất. Cùng với phạt tiền, Cục ATTP cũng đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, trong đó có 13 lô sản phẩm vi phạm về ghi nhãn, 4 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, 9 lô sản phẩm không công bố sản phẩm theo quy định. Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả…
|
Đoàn liên ngành số 1 của TP về ATTP của TP do ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra thực phẩm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Hải Lý |
Nhờ sự vào cuộc tích cực, số vụ ngộ độc thực phẩm năm nay giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc ATTP, số người ngộ độc là 2.710 trường hợp (giảm 20%) và 15 nạn nhân tử vong (giảm 37% so với 24 người năm 2017). Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, nguyên nhân là do năm 2017 số người tử vong tăng đột biến so với các năm vì ngộ độc rượu và ăn nấm độc tăng cao. Đối với các vụ ngộ độc tập thể, qua điều tra cho thấy có đến 70% số vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là do suất ăn được đơn vị khác nấu và vận chuyển đến cung cấp cho công nhân.
Khoảng trống trong quản lýMột khoảng trống trong công tác quản lý ATTP hiện nay là việc các website, trang mạng xã hội thực hiện quảng cáo thực phẩm rất dễ dàng. Ai cũng có thể tham gia kinh doanh thực phẩm trên các trang như Facebook, YouTube... nhưng không bị giám sát chất lượng bởi cơ quan chức năng. Ông Phong cho biết, có rất nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được công bố, đăng ký nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ trên các website, trang mạng xã hội. Thậm chí, nhiều nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng với cộng đồng cũng đứng ra quảng cáo cho những sản phẩm này.
Cục ATTP đã thiết lập đường dây nóng số 043.232.1556, email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về vi phạm ATTP nhằm kịp thời xử lý. |
Cục trưởng Cục ATTP thừa nhận, việc xử lý tình trạng này hiện đang gặp không ít khó khăn do ngành y tế không thể xử lý được các công ty, cá nhân mở website, mạng xã hội vi phạm về quảng cáo sản phẩm mà chỉ xử lý được sản phẩm vi phạm. “Khi DN vi phạm về quảng cáo, chúng tôi mời họ lên làm việc nhưng họ lại không thừa nhận. Chúng tôi phải chuyển nội dung sang Bộ TT&TT để xử lý. Đây là một trong những cái mới trong kinh doanh trên mạng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, quyết liệt xử lý tình trạng này” - ông Phong nói.
Ngoài ra, một khó khăn khác, theo nhận định của Cục ATTP là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ, lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn yếu kém. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về công tác đảm bảo ATTP còn hạn chế.
Hãy là người tiêu dùng thông tháiNghị định 115 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP tăng cao được cho là sẽ thiết lập được trật tự cho kinh doanh các dịch vụ ăn uống. Theo đó, mức xử phạt cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng nếu vi phạm ATTP. Một số trường hợp còn không có mức trần, nghĩa là phạt theo giá trị hàng hóa, có thể lên đến nhiều tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xử phạt không đủ sức răn đe trước đây. Tuy nhiên, theo ông Phong, chỉ tăng cao mức phạt là chưa đủ, mà quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các nguồn thực phẩm sạch.
Cục trưởng Cục ATTP cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tập trung thanh, kiểm tra các sản phẩm thịt, bánh mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia cho dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học. Cục ATTP cũng cảnh báo người dân cần lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Riêng về vấn đề sử dụng rượu, thời gian qua đã quá nhiều cái chết đau lòng vì dùng rượu không đảm bảo chất lượng. Ông Phong khuyên, người dân tuyệt đối không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; tránh xa rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu bia. Ngoài ra, người dân cũng tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại… “Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ sử dụng các thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, được công bố rõ ràng để tránh những nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra” - ông Phong nhấn mạnh.