Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao cùng những bất cập về việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu sản xuất… đang là khó khăn chung của các DN ngành cơ khí Hà Nội - đó là những ý kiến rất xác đáng của đại diện các DN nêu lên tại cuộc gặp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội (Hasmea) phối hợp Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ngành cơ khí Thủ đô.
Vướng thủ tục hành chính…
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú, thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp, những rào cản về thủ tục hành chính đã làm chậm bước phát triển của các DN ngành cơ khí.
Đơn cử, Tập đoàn Sunhouse đã mua đất ở huyện Hoài Đức làm nhà máy sản xuất từ năm 2007, nhưng đến nay, đã 9 năm vẫn chưa làm xong thủ tục giấy tờ. Ông Nguyễn Xuân Phú thẳng thắn cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các DN cơ khí trong nước đều thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận vốn của ngân hàng với lãi suất thấp rất khó khăn; công nghệ, thiết bị chế tạo chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao... Đặc biệt là thiếu nhân lực chất lượng cao cho ngành, kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân kỹ thuật có tay nghề... Do vậy, các DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện về mặt bằng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… “Để xây dựng một thương hiệu được người tiêu dùng nhớ đến là vô cùng khó khăn. Và chỉ có xây dựng được thương hiệu thì DN mới thoát được cảnh làm thuê. Do vậy, tại sao Nhà nước không hỗ trợ cho những đơn vị đã xây dựng được thương hiệu uy tín, nâng tầm lên, từ đó tạo nên những thương hiệu quốc gia như cách mà nhiều nước đã thực hiện với các thương hiệu LG, Sony, Sumsung…” - ông Phú chia sẻ.
Với việc hỗ trợ dàn trải đều cho các DN như hiện nay, thì Việt Nam chưa biết đến bao giờ mới có được những thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế.
Chính sách chưa sát thực tế
Một rào cản cho phát triển ngành cơ khí là những bất cập trong chính sách thuế. Một trong những bất cập hiện nay là chính sách thuế đối với thành phẩm nhập khẩu là 0%, trong khi linh kiện nhập khẩu lại phải chịu thuế 5%. Điều này không khuyến khích DN trong nước sản xuất mà chỉ nhập khẩu sản phẩm về bán. Hơn nữa, việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ (thép inox) là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa chén, xoong nồi, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm hoặc các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng... chỉ có lợi cho hai DN sản xuất thép không gỉ là Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh, lợi cá nhân nhưng lại tác động xấu đến hàng trăm DN trong ngành sản xuất đồ gia dụng.
Chia sẻ những khó khăn trong hoạt động của DN ngành cơ khí, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đề nghị Hasmea tổng hợp đầy đủ kiến nghị của các DN ngành cơ khí để Sở Công Thương trình UBND TP Hà Nội, đồng thời gửi các bộ, ngành chức năng để có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. “Không để những bất cập về cơ chế, chính sách kìm hãm cả sự phát triển của cộng đồng DN, làm ảnh hưởng đến kinh tế của Hà Nội nói riêng, của cả nền kinh tế nói chung” - ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.
Rõ ràng, với những tồn tại nêu trên, các sản phẩm của DN ngành cơ khí khó có thể cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Cộng đồng DN đang rất cần sự chung tay của các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn để họ yên tâm sản xuất, vươn lên.
Công nhân đang hoàn thiện sản phẩm tại phân xưởng sản xuất chảo của Tập đoàn Sunhouse, tại Khu công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
|
Xuống cơ sở để gỡ cho doanh nghiệp Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị sau khi nghe các ý kiến của DN ngành cơ khí. Theo ông Lê Hồng Thăng, cùng với Hiệp hội DN vừa và nhỏ, chúng tôi đã xuống tận cơ sở để lắng nghe ý kiến phản ánh của ngành cơ khí, cùng trao đổi thẳng thắn, cởi mở đã tạo sự gắn kết gần gũi giữa cơ quan quản lý với DN trên tinh thần đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Vậy sau khi trực tiếp lắng nghe các ý kiến phản ánh của DN, Sở Công Thương rút ra điều gì, thưa ông? - Cụ thể, chúng ta thấy nổi lên một số vấn đề, đó là chính sách về đất đai để DN mở rộng sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví như Sunhouse có ý kiến họ đã sản xuất trên mảnh đất 1ha gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất. Mới đây, Sunhouse mở rộng trên 4ha phải đi thuê lại của một DN khác. Rồi tiếp đến đề xuất mở rộng 6ha tại Cụm công nghiệp Quốc Oai của Sunhouse cũng chưa được triển khai, mặc dù lãnh đạo TP đã đồng ý chủ trương. Thứ hai là vấn đề áp thuế phòng vệ trong nhập khẩu thép, bị áp thuế suất tới 23% khiến đầu vào của nhiều DN cơ khí gặp khó khăn, những đơn hàng đặt từ trước đến nay bị xáo trộn. Do đó, phải tạo ra một mức thuế suất phù hợp để cả DN sản xuất trong nước lẫn phải nhập khẩu cùng tồn tại là điều chúng tôi sẽ kiến nghị đến các bộ, ngành thời gian tới. Với ngành công thương, chính sách đã hỗ trợ như thế nào đối với DN ngành cơ khí, thưa ông? - Qua cuộc gặp gỡ, các DN không phản ánh phần quản lý của ngành công thương, nhưng tôi thẳng thắn nhìn nhận, đó là trách nhiệm của chúng tôi trước những khó khăn của DN ngành cơ khí. Bên cạnh đó, Sở cũng chưa đôn đốc quyết liệt, sát sao phối hợp với các sở ngành liên quan để hình thành những cụm công nghiệp mở rộng. Ông đánh giá như thế nào về những kiến nghị của DN khi mà thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian? - Sở Công Thương được giao có một tổ tham gia cùng TP tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo TP cũng như trao đổi với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn cho DN. Chẳng hạn như vấn đề thủ tục đất đai, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Sở TN&MT để họ biết và kịp thời xử lý. Vấn đề mở rộng cụm công nghiệp sẽ trao đổi với Sở KH&ĐT để có chính sách đầu tư mở rộng. Xin cảm ơn ông! Hoàng Anh thực hiện
|