Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều vấn đề nóng được “mổ xẻ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giao thông, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động mất việc làm, chất lượng đào tạo nghề, chậm nộp bảo hiểm xã hội... là những vấn đề được các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV tập trung chất vấn trực tiếp lãnh đạo thành phố và các sở tại phiên chất vấn ngày 9/12.

Trong đó, vấn đề ùn tắc giao thông, buông lỏng quản lý vỉa hè, lòng đường là vấn đề được đề cập đến nhiều nhất.

Di dời nhà máy lại mọc nhà cao tầng

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Xuân Diên đặt vấn đề, thành phố thực hiện việc di dời các trường học, nhà máy ra khỏi nội đô, nhưng sau khi di chuyển lại dùng khoảng đất ấy làm nhà cao tầng thay vì phát triển hạ tầng xã hội, đấy chính là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam lấy ví dụ, khu chung cư cao tầng tại Minh Khai được xây dựng trên khoảng đất trước là Nhà máy Dệt 8/3, các khu tại Ngã Tư Sở cũng do di chuyển nhà máy... Việc này là do phê duyệt của Chính phủ hay thành phố. Tới đây trong phương án các Bộ sẽ di dời trụ sở, vậy khoảng đất ấy có làm nhà cao tầng không?

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng, việc di dời, xây dựng công trình là do quy hoạch và cũng là tạo vốn cho các cơ sở di dời. Trong chỉ đạo cũng như quy hoạch, đều nói việc di dời các trụ sở, ưu tiên nguồn đất cho mục đích công cộng, tuy nhiên việc này luôn được thực hiện theo quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn, các khu Nhà máy Dệt 8/3, Ngã Tư Sở, Nhà máy rượu… mỗi nơi có dân số có thể tương đương một phường. Nếu theo quy hoạch thì là lỗi của người xây dựng quy hoạch (không nói đến quy hoạch mới được phê duyệt), vậy thành phố phải có kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội. Bởi tăng cơ học, hạ tầng kém và quản lý hè đường chính là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết: Thành phố cũng đã báo cáo Chính phủ, xây dựng cơ chế chính sách để tạo nguồn lực cho chủ đầu tư, nhưng không phải tại địa điểm di dời. 2009, 2010 đều có đề xuất đó và chúng ta phải nghiêm khắc không cao tầng theo quy hoạch.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Phó Chủ tịch, các đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Lê Văn Hoạt tiếp tục "truy" vấn về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng đất của các trụ sở sau khi được di dời chủ yếu biến thành các khu chung cư cao tầng, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, đó là những tồn tại do lỗi quy hoạch trước khi có quy hoạch chung Thủ đô, còn kể từ khi Chính phủ ban hành quy hoạch chung của Thủ đô, chủ trương của Thành phố là kiên quyết đưa diện tích đất sau khi di dời các trụ sở vào mục đích công cộng.

Chưa có chính quyền cơ sở nào bị xử lý do quản lý hè, đường kém

Việc quản lý hè, lòng đường cũng một vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề: Thành phố đã phân cấp việc quản lý hè, đường cho quận, huyện. Nhưng, với những yếu kém như hiện nay, quan điểm của thành phố có tiếp tục phân cấp cho quận, huyện không? Trách nhiệm của thành phố trong xử lý chính quyền các cấp khi được phân cấp? Đại biểu Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh: Có phường nào, xã nào đã bị xử lý trách nhiệm khi để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường? Không có chuyện phân cấp rồi thả nổi?.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết: Thành phố đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra các tuyến đường, hè và xử lý các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, việc thực hiện không được thường xuyên, thiếu quyết liệt, thiếu sự quan tâm đúng mức, sự phối hợp không chặt chẽ làm cho tình trạng lấn chiếm hè phố để kinh doanh, buôn bán, để phương tiện không đúng quy định trên nhiều tuyến phố ở địa bàn một số quận, phường tiếp tục xảy ra. Nhưng đúng là chưa có cấp chính quyền cơ sở nào bị xử lý do quản lý kém, nhưng đối với tổ chức, cá nhân đã xử lý 4.450 lấn chiếm hè, lề đường.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố sẽ yêu cầu UBND các quận, phường phải xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác quản lý trật tự đô thị, không để lấn chiếm hè phố, lòng đường, trình thành phố và thực hiện từ tháng 1/2012; chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh: Việc giảm ùn tắc giao thông đang rất nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, một mình thành phố không thể làm được. Khi đưa vấn đề này ra cuộc họp, đại biểu HĐND phải thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để cùng vào cuộc và chia sẻ với những khó khăn thành phố phải đối mặt. Thành phố xác định năm 2012 tập trung cho công tác quy hoạch, mong muốn cùng với việc triển khai quy hoạch chung cần làm tốt hơn công tác quản lý, tránh tình trạng có điều chỉnh cục bộ không đúng với quy hoạch chung…

Mới thu hồi 10 dự án "treo"

Một điểm mới tại kỳ họp lần này là HĐND TP đã tiến hành tái chất vấn các kết luận chất vấn tại kỳ họp trước. Những vấn đề được nêu ra tái chất vấn là về việc xử lý các dự án treo, việc quy hoạch địa điểm để xây dựng trụ sở TAND TP và việc xây dựng các trường mầm non cho 6 phường trong nội thành. Tuy nhiên, vấn đề được các đại biểu quan tâm và chất vấn nhiều nhất là việc xử lý các chủ đầu tư để dự án chậm triển khai. Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Xuân Diên, Phạm Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Mai Sương về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung giải quyết được 52 dự án xong về GPMB. Trong số 118 dự án đã được rà soát, các dự án vướng mắc chính là về quy hoạch nhưng cũng có 16 dự án chưa triển khai do chủ đầu tư có khó khăn về năng lực, tài chính, 16 dự án có nguyên nhân phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền trong GPMB chưa tốt. Với những dự án vướng mắc do chủ đầu tư thiếu năng lực, Phó Chủ tịch cho biết, nếu tình hình không cải thiện, Thành phố sẽ tiến hành thu hồi. Thành phố đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn cho 16 dự án, xử lý phạt hành chính một số dự án khác và nếu các dự án này còn tiếp tục vi phạm, sẽ tiến hành thu hồi. Theo tổng hợp, trong năm 2011, nếu gộp các dự án chậm tiến độ thuộc cả 3 nhóm trên, Thành phố đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền phạt 1,4 tỷ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000m2...