Nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
Theo dự kiến, ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, từ đó xem xét, tìm ra vướng mắc, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Đặc biệt, Kỳ họp thứ 6 có sứ mệnh đặc biệt bởi Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp.
Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Cũng tại kỳ họp này Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây là hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.
Trong 24 ngày làm việc, tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 9,5 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Nhiều dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, hay Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)... Đây đều là những dự án luật quan trọng, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.
Bên cạnh đó, Kỳ họp thứ 6 sẽ dành trọn vẹn 3 ngày cho các đại biểu chất vấn những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 20/10. Ảnh: Huy Khánh. |
Ngày 20/10, 48 giờ trước khi khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri quận 2. Và cũng giống những lần tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử này, vấn đề được người dân quận 2 quan tâm hàng đầu vẫn là Thủ Thiêm.
Trước đó, vào tháng 6/2018, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2. Sau buổi tiếp xúc vào tháng 6, tháng 7 Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đến thăm các hộ dân tại khu tái định cư Thủ Thiêm.
Ngày 17/10 vừa qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành ủy... đến thăm một số hộ dân tại khu tái định cư Thủ Thiêm và cơ sở sản xuất tư nhân tại phường Thảo Điền, quận 2.
Như vậy có thể thấy, vấn đề tại Thủ Thiêm vẫn chưa thể "hạ nhiệt", nhất là buổi tiếp xúc cử tri lần này diễn ra trong bối cảnh sau khi Thanh tra Chính phủ có thông báo về kết quả thanh tra đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và nêu ra nhiều sai phạm của chính quyền TP trong thời gian qua.
Các đại biểu đã lắng nghe hơn 30 cử tri phát biểu. Các cử tri ý kiến nhiều liên quan đến nhưng sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm, góp ý về các dự án luật dự định thông qua tại kỳ họp thứ sáu.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đúng với cam kết với bà con ở Thủ Thiêm, khi những vấn đề ở đây chưa được giải quyết xong, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ trở lại. Mấy tháng qua, TP đã tập trung cao độ nhằm vận dụng tối đa chính sách để giải quyết có lợi nhất cho bà con Thủ Thiêm. Thành ủy và các đơn vị liên quan đã tổ chức đến 6 cuộc họp trong hơn 5 tháng qua để tìm hướng giải quyết.
Về việc xử lý các sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP đã yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm phải làm kiểm điểm để công bố trong tháng 11/2018. Mức độ sai phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó. Quá trình thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài, liên quan đến nhiều người nên phải có sự thống nhất. Trong quá trình xử lý sai phạm, ngoài TP còn có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ.
Kết quả chuyến thăm “3 điểm đến, 6 mục tiêu” của Thủ tướng
Từ ngày 14 - 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục 1 tuần hoạt động đối ngoại cường độ cao với chuyến đi “có 3 điểm đến với 6 mục tiêu” bao gồm chương trình làm việc liên tục, hầu hết đều kết thúc vào tối muộn với 69 hoạt động đa phương và song phương. Đây là chuyến công tác trong khuôn khổ 2 hội nghị quốc tế lớn, làm việc với Ủy ban Châu Âu (EC) và thăm 3 nước đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Trong dịp này, 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Những hoạt động nổi bật gồm: Dự Hội nghị ASEM 12 tại Bỉ; Dự Hội nghị P4G lần thứ nhất tại Đan Mạch; Hội đàm với Thủ tướng Áo, Thủ tướng Bỉ, Thủ tướng Đan Mạch, làm việc với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC).
Đặc biệt, bên lề Hội nghị ASEM 12, Thủ tướng đã có 12 cuộc tiếp xúc song phương với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo dự Hội nghị, gồm Tổng thống Mông Cổ, Thủ tướng Trung Quốc, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Nga, Hy Lạp, Anh… để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và giải quyết các vấn đề cụ thể.
Lãnh đạo các nước đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vai trò, vị thế ngày càng tích cực, quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông.
Các nước thành viên EU ủng hộ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và cho rằng cần sớm ký và thông qua EVFTA nhằm hiện thực hóa chiến lược của EU về kết nối EU - châu Á.
Có thể nói, chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, truyền tải thông điệp và hình ảnh về một nước Việt Nam mới năng động, phát triển nhanh về kinh tế và ổn định về chính trị - xã hội.
Chuyến thăm đã tạo nhiều điểm nhấn quan trọng, nhất là việc Ủy ban Châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA, tạo không khí tin tưởng lạc quan trong cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục nâng tầm các quan hệ song phương với các đối tác ở châu Âu, mở rộng đối ngoại đa phương, góp phần tích cực xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, đồng thời tham gia hiệu quả, đóng góp vào giải quyết các thách thức toàn cầu.
Thanh tra cao tốc 34.500 tỷ
Ngày 18/10, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức công bố quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo đó, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140km, gồm hai hợp phần: Hợp phần do JICA tài trợ (Km0 - Km65) và hợp phần Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ (Km65 - Km139+204), tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng.
Đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ được đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017. Sau 14 tháng vận hành, tại một số vị trí trên tuyến đã xuất hiện ổ gà, hiện tượng hư hỏng mặt đường xuất hiện ở lớp tạo nhám mặt đường. Tuy nhiên, khi sửa chữa, các nhà thầu không thực hiện đúng quy trình mà cào bóc, vá víu thủ công.
Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trách nhiệm của đơn vị thi công và xử lý quyết liệt.
Ngày 12/10, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc thu phí trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bị tạm dừng để để khắc phục hư hỏng. Ông Thể cũng nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đồng thời Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng Thành viên VEC chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Ngày 16/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan trong việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau khi vừa đưa vào khai thác.
Lộ thêm nhiều sai phạm
Trong khi đoàn thanh tra của Bộ GTVT vừa mới bắt đầu thực hiện quyết định thanh tra cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thì liên tiếp các sai phạm của chủ đầu tư được người dân và báo chí "phát lộ".
Cụ thể là những sai phạm trong việc thực hiện gói thầu số A5 (đoạn Km124+700 - Km139+204) thuộc nguồn vốn WB; việc Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco) đã bán toàn bộ 100% giá trị gói thầu có giá trị hợp đồng xây lắp lên tới 1.400 tỷ đồng cho 17 nhà thầu phụ Việt Nam; xuất hiện tình trạng 2 cầu chui thấm dột nước....
Đặc biệt, không chỉ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có nhiều vấn đề, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) còn có nhiều sai phạm “động trời” ở 3 tuyến cao tốc khác.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại 3 dự án xây dựng cao tốc khác là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư đều tự ý chỉ định thầu khi xây dựng các trạm dừng nghỉ trên những tuyến cao tốc này.
Điều này đã được chính Kiểm soát viên VEC chỉ ra trong văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Văn bản số 1603/VEC-KSV ngày 22/5/2015 báo cáo việc xã hội hóa các trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư của Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT đánh giá, VEC có nhiều vi phạm trong việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, trong việc lựa chọn nhà đầu tư và trong việc triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc.
Nhiều trường hợp tử vong gây ám ảnh dư luận
Khoảng 21h ngày 18/10 một số người dân ở khu vực chung cư HH2A, khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện thi thể của một em bé sơ sinh còn nguyên dây rốn.
Lực lượng chức năng sau đó có mặt tại hiện trường, điều tra sự việc. Quá trình điều tra cho biết, nữ sinh vứt con là Đinh Thị Vân A (21 tuổi, quê huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Tại cơ quan công an, A. khai đang là sinh viên năm 4 một trường đại trên địa bàn TP Hà Nội. Khi đến nhà bạn trai thì A. đau đẻ. Vân A. vào trong toilet sinh nhưng cháu bé đã chết nên cho vào túi bóng thả qua ô thoáng nhà vệ sinh xuống đất.
Sự việc đang được cơ quan công an tích cực điều tra, làm rõ động cơ của thiếu nữ trên. Nhưng dù là với động cơ gì thì hành động mất nhân tính của A. đang nhận được phản ứng giận dữ của cộng đồng mạng xã hội cũng như dư luận.
1 trường hợp gây ám ảnh trong tuần qua nữa, là cái chết của 4 người trong 1 gia đình tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Theo phán đoán ban đầu, do chịu áp lực từ người dân sống cạnh sau khi chồng ăn trộm điện thoại, cặp vợ chồng trên để lại thư tuyệt mệnh rồi cùng 2 con thắt cổ tự tử. Hành động trên khiến dư luận hết sức xót xa bởi 2 cháu bé còn rất nhỏ (1 cháu 6 tuổi, 1 cháu 4 tuổi).
Cư dân Carina chính thức về nhà sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng
Bắt đầu từ ngày 18/10, cư dân khu chung cư Carina (quận 8, TP Hồ Chí Minh) đã chính thức được trở về căn hộ của mình sau quãng thời gian 7 tháng thuê trọ ngoài. Đa phần mọi người rất phấn khởi, và bước đầu cảm thấy hài lòng với hiện trạng của khu nhà sau sữa chữa. Bên cạnh đó vẫn còn những nghi ngại về chất lượng công trình sau sửa chữa.
Trước đó, công tác sửa chữa, cải tạo chung cư đã hoàn tất, đã được Bộ Xây Dựng chấp thuận việc sửa chữa hoàn chỉnh và thực hiện hoàn tất nghiệm thu. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Công an TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đồng ý xác nhận việc nghiệm phòng thu PCCC đối với công trình cải tạo chung cư Carina Plaza.
Theo đại diện chủ đầu tư, sau khi người dân chuyển đồ về, chủ đầu tư sẽ thực tập phương án PCCC và thoát nạn cho người dân, đồng thời thường xuyên nhắc nhở ban quản lý đảm bảo vận hành, thường xuyên đôn đốc bảo vệ đi kiểm tra các tầng hầm, các khu vực xung quanh tòa nhà.
Bà cụ nghèo bán chó gây chia rẽ cộng đồng mạng
Trong tuần qua, một tài khoản trên mạng xã hội facebook đăng loạt hình cụ bà ngồi bên vệ đường bán chú chó con được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người xót thương cho hoàn cảnh của bà và ví đây như câu chuyện 'Lão Hạc' của thời hiện đại.
Nhưng ngay sau đó, một luồng thông tin khác cho rằng chính cụ bà dựng lên câu chuyện bán chó để tạo sự thương tâm, lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm cho tiền.
Theo tìm hiểu thực tế của PV VTC News, nhân vật trên là bà cụ tên Ba (75 tuổi, ngụ tại tổ 32, thuộc khu phố 3, phường 14, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Hiện bà cụ đang sống trong 1 căn nhà rộng chừng 5m2, cũ kỹ. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, ngoài một con chó có tên Có Lí. Bà nói Có Lí chính là mẹ của chú chó con trong hình lan truyền trên mạng xã hội.
Sở dĩ bà Ba đem bán con của Có Lí vì sau trận ốm thập tử nhất sinh, bà gần như nằm liệt giường, không thể đi tìm thức ăn cho Có Lí và 2 con của nó. 1 chú chó con đói quá, đi ăn bậy rồi bị bệnh chết. Bà cảm thấy có lỗi với nó. Mặc dù thở không nổi nhưng bà vẫn lo sợ Có Lí và chú chó con còn lại sẽ rời xa mình nên khi vừa đỡ bệnh, bà vội vàng mang chú chó con đi tìm chủ mới.
Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu, hoàn cảnh bà Ba cũng không đến nỗi khó khăn đến mức phải "bán chó lấy tiền" như chia sẻ trên mạng xã hội.
"Bà Ba hiện đang sống chung với con trai của bà ấy, xung quanh nhà bà ấy toàn bà con xui gia cả. Hoàn cảnh của bà Ba không đến nỗi nào. Bà ấy có 2 căn nhà, 1 căn ở tổ tôi, 1 căn còn lại ở tổ khác và một trong 2 căn bà Ba đang cho người ta thuê...'', VTC News dẫn lời tổ trưởng tổ dân phố nơi người phụ nữ sinh sống cho biết.
Thực hư câu chuyện đã và đang là vấn đề gây tranh cãi, tốn khá nhiều "giấy mực" của dư luận cũng như báo chí. Nhưng có một điều chắc chắn chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho mình qua vụ này, là đừng vội tin 100% một câu chuyện, hình ảnh nào đó được kể trên mạng xã hội.