Trong buổi tọa đàm "Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ" sáng 8/11, ban tổ chức (BTC) và giới làm văn chương đều đang ngóng một "bàn thắng" quyết định ở… phút thứ 89.Tính đến thời điểm hiện tại, BTC cuộc thi đã nhận được gần 2.000 tác phẩm tham dự, nhiều tác phẩm có nội dung tốt, tính nghệ thuật cao.
Mặt bằng chất lượng các tác phẩm cao hơn những cuộc thi trước, nhưng các câu chuyện hầu như không có sự đột phá, "làm khó" BTC trong việc chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất. Nhà phê bình Cao Việt Dũng nhận định: "Cuộc thi lần này đã thu hút đông đảo các tác giả với nhiều độ tuổi tham gia, số lượng tác phẩm nhận được rất đồ sộ.
Cuộc tọa đàm về truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ, sáng 8/11. Ảnh: Hồng Hạnh
Tuy nhiên, khi đọc những tác phẩm dự thi tôi thấy rất mệt. Đọc 3 truyện ngắn còn mệt hơn tiểu thuyết 300 trang, mà lẽ ra, truyện ngắn là thể loại dễ đọc, dễ cảm nhất. Thậm chí, một số truyện dù đã được chọn đăng báo, nhưng tôi không tìm được cảm xúc trong đó".
Cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ luôn được coi là bức tranh phản ánh khá toàn diện về văn chương đương đại. Thế nên, cuộc thi này đã bộc lộ sự ít chuyển động của văn học Việt nam trong thời gian gần đây.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi của cuộc thi, nhận định: "Văn học thời gian gần đây dường như ít chuyển động. Tôi có cảm giác những mưu mẹo, cách thức gây đột phá của nghề đã được các bậc tiền bối sáng tạo hết.
Bây giờ các nhà văn trẻ chỉ làm phong phú thêm, viết thêm những điều kinh hãi". Dù thế, giới làm văn chương vẫn không thể phủ nhận chất lượng cuộc thi này vẫn khá hơn so với mặt bằng chung của các cuộc thi trước. Chủ đề đa dạng, trải rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Đề tài cũng phong phú hơn, đặc biệt có nhiều tác giả trẻ khai thác để tài lịch sử, nông thôn… Vẫn biết rằng, hiện nay người đọc không còn mong ngóng, khao khát truyện ngắn như thời kỳ đầu đổi mới. Thế nhưng, nếu biết khai thác những vấn đề gai góc của đời sống xã hội, tác phẩm vẫn có thể tạo ra dư luận.
Hiện nay, các bài viết thừa tinh tế trong câu chữ, nhưng thiếu can đảm trong cách khai thác, lựa chọn vấn đề. Chỉ còn 3 tháng nữa cuộc thi sẽ kết thúc nhưng BTC và giới làm văn chương vẫn mong ngóng có sự đột phá ở những phút cuối từ những cây viết can đảm, dám đụng đến những vấn đề gai góc. Nếu không, cuộc thi sẽ rơi vào tình trạng "so bó đũa chọn cột cờ".