Quá nhiều khó khăn
Vấn đề ATTP ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ở góc độ người tiêu dùng (NTD), chị Nguyễn Thị Thu Hường, quận Thanh Xuân bày tỏ lo lắng, người dân bỏ tiền mua thực phẩm sạch với giá cao nhưng liệu chất lượng có tương xứng hay không? Sản phẩm đã được chứng nhận an toàn có thực sự an toàn hay không, bởi không loại trừ khả năng các đơn vị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trà trộn thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường vào bán cho NTD. “Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát như thế nào để sản phẩm thực sự an toàn khi đến tay NTD” – chị Hường chia sẻ.
Gian hàng kinh doanh thực phẩm sạch của Công ty BigGreen. Ảnh: Quang Thiện Những băn khoăn của chị Hường không phải là không có cơ sở vì hiện nay, thị trường nông sản thực phẩm vẫn còn những mảng “tranh sáng, tranh tối” khiến cho NTD mất niềm tin. Đứng trước trăn trở của NTD, đại diện nhiều DN, đơn vị đang sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm sạch cũng khá “tâm tư”. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh thực phẩm an toàn cần lượng vốn lớn và thời gian dài nên nhiều DN đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, DN lại gặp rào cản về đất sản xuất, kho bãi, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản an toàn trong nội thành và giá thuê đất còn cao. |
Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện nay các DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn TP đang gặp nhiều vướng mắc, rào cản. Trước hết, về cơ chế chính sách, TP chưa có chính sách đặc thù đủ mạnh để hỗ trợ cho các DN thúc đẩy đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng của DN còn hạn chế vì thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản thực phẩm còn hạn chế, sản phẩm kém chất lượng vẫn được tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến cạnh tranh của DN chân chính và giảm lòng tin của NTD.
Thiếu chính sách hỗ trợ đủ mạnh
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.150 DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn thấp. Về hệ thống phân phối, toàn TP có gần 600 chợ, siêu thị và trên 1.000 cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm, phần lớn tập trung tại các quận nội thành. Tuy nhiên, lượng nông sản thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ được tiêu thụ qua các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mới chỉ chiếm trên 20%, còn lại vẫn do thương lái thu mua và tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Chính vì vậy, việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn là việc làm hết sức cần thiết để đưa thực phẩm sạch tới tay NTD.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Đỗ Hoàng Thạch cho rằng, TP cần xây dựng chính sách đủ mạnh cho các DN đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn, từ chính sách đất đai, bảo hiểm đến cơ chế vay vốn. Trong đó, tạo quỹ đất sạch cho DN đầu tư phát triển sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để DN dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, một biện pháp rất quan trọng nữa là thanh, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng nông sản thực phẩm, có cơ chế thưởng phạt minh bạch để khích lệ các DN làm ăn chân chính.
Ở góc độ quản lý thị trường, ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước ở khâu nào phải có trách nhiệm quản chặt khâu mình được phân công phụ trách. Chẳng hạn, đối với thú y phải kiểm soát tốt khâu chăn nuôi và giết mổ, ngành bảo vệ thực vật kiểm soát tốt việc sản xuất trên đồng ruộng, ngành quản lý thị trường siết chặt khâu lưu thông… “Hiện nay, có nhiều sản phẩm tốt nhưng NTD vẫn loay hoay trong việc tiếp cận nguồn cung cấp. Nếu có sự phối hợp tốt giữa 4 “nhà” thì sẽ hạn chế thấp nhất thực phẩm bẩn lưu hành trên thị trường” – ông Lộc cho hay.