Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ý kiến khác nhau về nâng độ tuổi trẻ em

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Một số nội dung của Luật được dư luận rất quan tâm như việc có nên hay không nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18.

ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: Ngọc Linh
ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Ngọc Linh
Theo ĐB Phạm Thị Hồng Nga (đoàn Hà Nội), nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em, như vậy sẽ tác động tốt đến việc khuyến khích học tập, đảm bảo tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đầy đủ hơn, không phải bỏ học kiếm sống, được hỗ trợ học tập để hoàn thành phổ cập giáo dục và giảm thiểu được các nguy cơ khác. Tuy nhiên, việc mở rộng độ tuổi cần đi kèm các giải pháp bảo vệ, chăm sóc phù hợp vì thực tế hiện nay có nhiều vấn đề xã hội bức xúc đối với lứa tuổi 16 đến dưới 18 tuổi như nạn tảo hôn, nạo phá thai, làm mẹ ở tuổi vị thành niên, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động...

 “Nếu tuổi trẻ em tăng lên dưới 18 tuổi, số trẻ em sẽ tăng từ dưới 27 triệu lên 30 triệu, với số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác trẻ em chưa đầy 2.500 người như hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành riêng cho từng trẻ, dẫn đến công tác trẻ em sẽ càng hạn chế hơn nữa. Bên cạnh đó, việc nâng độ tuổi trẻ em chúng ta cũng phải rà soát lại một số luật đã và chuẩn bị thông qua để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như Bộ luật Hình sự, hay Luật Hôn nhân và Gia đình có cần quy định lại tuổi kết hôn hay không” - ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phát biểu.

Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh), các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em còn thiếu và yếu. Hiện nay, theo thống kê cả nước có trên 70 tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và dịch vụ dành cho trẻ em. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em và được phép giám sát bảo vệ trẻ em rất ít và thực tế cũng không được tạo điều kiện để tham gia giám sát bảo vệ trẻ em. “Tôi đề xuất dự thảo luật nên nghiên cứu mở rộng hơn nữa và tạo điều kiện cũng như cơ chế cho các tổ chức xã hội trẻ em được tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em và tham gia nội dung này giao cho cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện” - ĐB Thúy kiến nghị. Các ĐB cũng đề nghị bổ sung các quyền của trẻ em như quyền được lắng nghe, được chia sẻ, quyền được ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, bổ sung quyền của các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em di cư, trẻ em bị xâm hại...

Thảo luận về Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), đa số ý kiến đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đồng thời phải tạo được khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước. “Do hoạt động ký kết điều ước quốc tế có tính chất phức tạp, liên quan đến tất cả các bộ, ngành và diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành” - ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) góp ý.
Thông qua Luật Thống kê và Luật Khí tượng thủy văn
Với đa số phiếu tán thành, ngày 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Khí tượng Thủy văn (KTTV), Luật Thống kê (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 Chương, 72 Điều, kèm theo luật là phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu. Luật quy định cơ quan thống kê T.Ư trực thuộc Bộ KH&ĐT. Đồng thời bảo đảm sự độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan thống kê và người làm công tác thống kê, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê, từ đó bảo đảm sự độc lập, khách quan trong hoạt động thống kê; Dự án Luật KTTV cũng quy định những hành vi bị cấm; về bảo vệ công trình KTTV; hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV; trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV.
Luật KTTV và Luật Thống kê đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.