Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ một Trường Sơn huyền thoại

Thiếu tướng Tô Đa Mạn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - LTS: Đường Trường Sơn được mệnh danh là “tuyến lửa”, là tuyến đường huyết mạch cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho quân giải phóng miền Nam suốt 16 năm ròng rã (1959 - 1975).

 Thiếu tướng Tô Đa Mạn - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, công binh Trường Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12
Trên tuyến đường huyền thoại ấy có dấu ấn đậm nét của Trung đoàn 98 anh hùng - trung đoàn đầu tiên mở đường cơ giới Trường Sơn. Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi xin giới thiệu những hồi ức của Thiếu tướng Tô Đa Mạn (ảnh bên) - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, công binh Trường Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 về Trường Sơn của một thời khói lửa chiến tranh...
Trước đòi hỏi cấp thiết của cuộc kháng chiến, Trung đoàn 98 được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ vào Trường Sơn mở đường xe cơ giới. Bằng những dụng cụ thô sơ nhưng với ý chí mãnh liệt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những người lính Trung đoàn 98 luôn kiên trì bám trụ, ngày đêm mở đường cho xe chạy.
Sứ mệnh lịch sử
Vậy mà 60 năm đã trôi qua. Ngày ấy, những “ông già” chúng tôi bây giờ còn rất trẻ, có người chưa đến 16 - 17 tuổi đã ba lô trên vai hăm hở lên đường. Chiến tranh ngày càng ác liệt, yêu cầu chi viện cho miền Nam ngày càng lớn.
Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập do đồng chí Võ Bẩm chỉ huy để làm nhiệm vụ chi viện này. Con đường mòn Hồ Chí Minh xuất hiện, lúc đầu chỉ là đường gùi và thồ hàng hóa rất thô sơ. Liên tục trong các năm 1959 - 1964, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, băng qua đại ngàn Trường Sơn hiểm trở, qua con đường sơ khai này, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn tấn vũ khí trang bị đã được đưa tới chiến trường chi viện cho miền Nam.
Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng khốc liệt, yêu cầu chi viện cho miền Nam lớn hơn rất nhiều lần mà nếu chỉ vận chuyển thô sơ thì khó lòng đáp ứng được. Trước tình hình hình cấp bách ấy, tháng 3/1964, Hội nghị chính trị đặc biệt đã nhấn mạnh: Cả hậu phương lớn miền Bắc phải dồn sức cho miền Nam máu lửa và để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải có một con đường để đảm bảo cho vận tải cơ giới. Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ lịch sử đó cho Trung đoàn 98.
Ngày 27/6/1964 tại Trung Hà (Sơn Tây, Hà Nội), Thiếu tướng Lê Quang Hòa đã thay mặt Quân ủy T.Ư - Bộ Quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 98 và trao lá cờ “Mở đường thống nhất” vào mở đường cơ giới Trường Sơn. Đầu tháng 7/1964, sau khi chuẩn bị xong, từ Trung Hà, Trung đoàn 98 bắt đầu hành quân vào Trường Sơn với mật danh Chi hội Bình Minh thuộc Hội Lao động giải phóng miền Nam. Trang bị mang theo chỉ đơn giản, thô sơ gồm cuốc, xẻng và vũ khí chiến lợi phẩm của Pháp như súng trường 7,9 ly, tiểu liên Sten… lặng lẽ vượt núi, băng rừng. Tất cả giấy tờ, sổ sách, ảnh lưu niệm, thư từ cá nhân, đồ dùng của anh em chiến sĩ đều gói ghém gửi lại nơi hậu phương.
 Một con đường ở Trường Sơn.
Đánh thắng trận đầu
Gần một tháng hành quân ròng rã, vượt qua Đường 9 tới Sê Pôn (tỉnh Savanakhet, Lào), qua dốc Thơm, Trung đoàn 98 dàn quân hạ trại, khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho cuộc khai lộ lịch sử. Ngay sau khi Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ném bom, đánh phá ác liệt miền Bắc, Thường vụ Đảng ủy và Chỉ huy Trung đoàn 98 đã họp chớp nhoáng quyết định chọn ngày 9/8/1964 (đúng với phiên hiệu của Trung đoàn) làm ngày bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cơ giới Trường Sơn. Đoạn Sa Đi - Mường Noòng đã được chọn làm nơi khởi đầu của công trình lịch sử.
Đúng 6 giờ sáng ngày 9/8, trên một đoạn đường rừng núi Tây Nguyên vắng vẻ, ngoài trời còn mưa nặng hạt, Trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp phát lệnh dứt khoát: “Tất cả, bắt đầu!”. Tự tay anh bổ nhát cuốc đầu tiên và tiếp nối là hàng trăm cánh tay săn chắc của các chiến sĩ cùng vào cuộc theo đúng đội hình chiến đấu. Có người chỉ huy, người đào, người cuốc, người san, người tuần tra, cảnh giới… Thật tự hào là trong đội hình đó có khá đông chiến sĩ người Hà Nội, Hà Tây (cũ).
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt nhưng ai nấy đều dồn hết tâm trí mình cho từng nhát cuốc, khí thế mở đường sôi lên hừng hực, không ai muốn lơi tay, đến nỗi bộ phận nuôi cơm phải mang cơm ra tận chỗ làm phục vụ chiến sĩ mở đường.
Với khí thế sục sôi ấy, chỉ trong ngày đầu ra quân, năng suất lao động của Trung đoàn 98 đạt tới 200%, một đoạn đường dài 10km đã được làm xong, ngụy trang kín đáo dưới tán rừng, sẵn sàng đưa vào sử dụng. 10km đầu tiên ấy trên trục đường 128, một trong năm trục chính xương sống chi viện cho chiến trường miền Nam.
Chỉ sau 4 tháng ra quân, Trung đoàn 98 đã hoàn thành đoạn đường dài 104km từ Đường 9 đến sông Bạc. Thời khắc lịch sử cuối cùng cũng đã tới. Ngày 8/12/1964, đoàn xe đầu tiên do đồng chí Nguyễn Nhạn – Phó Tham mưu trưởng công binh dẫn đầu đã tới sông Bạc trong sự reo mừng của chiến sĩ và đông đảo đồng bào địa phương, mở đầu cho những hành trình liên tục chi viện cho chiến trường miền Nam khói lửa.
(Còn nữa)

Trung đoàn 98 được thành lập ngày 16/7/1946, là Trung đoàn bộ binh chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Geneva, Trung đoàn 98 được chuyển sang làm công tác xây dựng, chủ yếu làm đường sá ở Tây Bắc đồng thời làm dự bị để phục vụ nếu có chiến tranh. Sau này, Trung đoàn 98 nhận nhiệm vụ mở đường cơ giới Trường Sơn, thuộc Đoàn 559.


"Trong quá trình mở đường, Trung đoàn 98 vẫn luôn làm nhiệm vụ chiến đấu đánh địch trên không, đánh địch mặt đất, bảo vệ tuyến đường. Điều rất quan trọng là Trung đoàn 98 đã đào tạo được một lớp cán bộ kế tiếp trong đó có cả cán bộ trung cao cấp, góp phần phát triển lực lượng công binh trên toàn tuyến và cả sau này. Trung đoàn 98 xứng đáng là trung đoàn anh hùng trong suốt thời gian chống Mỹ." - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn