Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhờ nông nghiệp, bầu Đức ngồi trên "đống tiền"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, nông nghiệp đang là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2014 vừa qua.

Theo báo cáo kinh doanh 2014 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa được công bố, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn này với con số lên tới hơn 1,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngành mía đường tiếp tục năm thứ 2 liên tiếp là ngành dẫn đầu về doanh thu với hơn 1 nghìn tỷ đồng.

 
Các sản phẩm từ mía đường đang mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn HAGL của bầu Đức
Các sản phẩm từ mía đường đang mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn HAGL của bầu Đức
Được biết với mía đường, 2014 mới là năm thứ 2 ngành này được tập đoàn của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đưa vào kinh doanh nhưng doanh thu đã vượt xa so với các ngành kinh doanh cốt lõi của là xây dựng và bất động sản khi những ngành này lần lượt đạt các con số 765 tỷ đồng và 238 tỷ đồng. Năm vừa qua cũng đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của ngành này khi tăng đến 124% so với 2013.

Hiện tại, diện tích trồng mía của HAGL tại Lào đã lên tới 8 nghìn ha cùng với đó là nhà máy đường có công suất 7 nghìn tấn/năm. Quy trình sản xuất khép kín cũng được tập đoàn này thực hiện khá triệt để khi bã mía sẽ được sử dụng vào làm nhiệt điện và phân vi sinh. Nhà máy nhiệt địa của HAGL cũng đã đi vào vận hành thương mại.

Hồi đầu tháng 4/2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép HAGL được đưa về Việt Nam khoảng 50.000 tấn đường. Con số trên là rất ấn tượng nếu biết cả năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu tổng số hơn 77.000 tấn đường.Như vậy, khi chính thức được thông qua, doanh thu ngành mía đường của tập đoàn này chắc chắn sẽ tăng mạnh so với hiện tại.

Trái ngược với mía đường, cao su lại chứng kiến một năm kinh doanh sụt giảm với doanh thu đạt 227 tỷ đồng, thấp hơn con số 241 tỷ đồng của năm 2013. Theo bầu Đức, lý do chủ yếu bắt nguồn từ việc giá mủ cao su đã giảm mạnh trong năm vừa qua. Hiện HAGL đang sở hữu diện tích trồng cao su lên tới hơn 42 nghìn ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Còn với trồng bắp, 2014 cũng là năm đầu tiên sản phẩm của ngành này được HAGL chính thức đưa vào kinh doanh với doanh thu khá ấn tượng đạt 205 tỷ đồng. Đây cũng là ngành nghề có tiềm năng rất lớn nếu hiện mỗi năm Việt Nam cần hơn 2 triệu tấn bắp để sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Không chỉ dùng để đáp ứng nhu cầu cho các lĩnh vực khác, bắp cũng được HAGL định hướng là nguyên liệu chính dùng để sản xuất thức ăn cho ngành bò mà tập đoàn này đang đầu tư. Và đây cũng là hướng tiêu thụ chính cho các sản phẩm từ bắp của HAGL.

Ngoài 3 ngành trên, HAGL cũng thể hiện rõ mục tiêu vươn lên vị trí số 1 trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam khi có chiến lược đầu tư dài hạn vào chăn nuôi bò và cọ dầu. Đây đều là những ngành được đánh giá sẽ mang lại lợi nhuận cao khi chính thức đưa vào kinh doanh.

Bỏ số vốn khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng vào chăn nuôi bò kể từ đầu năm 2014 nhưng tới nay tổng đàn bò của HAGL đã lên đến hơn 43 nghìn con. Dự kiến ngay trong năm 2015, các sản phẩm từ bò sẽ được tập đoàn này đưa ra thị trường cùng các đối tác lớn trong lĩnh vực thực phẩm là NutiFood và ViSSAN.

Với ngành này, HAGL có lợi thế là tận dụng được những sản phẩm phụ do từ chính các ngành nghề khác của mình như cây bắp, bã mía, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu là nguồn thức ăn, nguồn điện từ nhà máy nhiệt điện ... Việc kết nối các chuỗi giá trị của ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi với nhau như vậy sẽ giúp HAGL có lợi thế cạnh tranh tối đa với các tên tuổi khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, HAGL cũng tiến hành đầu tư sang cây cọ dầu với hơn 17 nghìn ha đã được trồng ở Campuchia và dự kiến sẽ lên đến 30.000 ha ngay trong năm 2015. Cũng vào tháng 7/2015 tới, nhà máy chế biến dầu cọ của tập đoàn cũng sẽ đi vào hoạt động với công suất chế biết lên đến 270 nghìn tấn quả tươi/năm.

Được biết so với chính cây cao su mà HAGL đang trồng, cọ dừa có thời gian thu lời nhanh hơn khi thời gian khai thác chỉ kéo dài bằng 1 nửa, khoảng 30 tháng kể từ khi trồng. Đồng thời giá dầu dừa có giá khá cao, từ 750 USD – 950 USD/tấn, con số này vượt trội hơn hẳn so với những gì cao su có thể mang lại trên cùng một diện tích trồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL cho biết, với lợi thế là quỹ đất lớn cùng công nghệ cao được áp dụng vào quy trình chăm sóc cũng như sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp của tập đoàn sẽ mang lại năng suất cao nhằm hướng tới việc hạ giá thành. Và đây cũng chính là điểm cốt yếu để quyết định sự thắng bại của HAGL trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đức khẳng định.