Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhọc nhằn mưu sinh nghề nhôm nhựa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngày, họ rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm với một công việc thu mua giấy báo, sắt, nhôm, nhựa…cũ, mà người ta hay gọi chung là “nhôm nhựa”. Ở khắp các huyện của tỉnh cao nguyên Đắk Lắk số lượng người làm nghề này cũng không nhỏ.

Người làm nghề này chủ yếu là nữ, tranh thủ những lúc nông nhàn họ đi mua phế liệu để phụ thêm vào chi tiêu trong gia đình. Nghề tuy vất vả nhưng đồng tiền kiếm được từ những giọt mồ hôi chân chính đã khiến những người nông dân chân chất ở đây luôn tự hào

Đồ nghề của họ chỉ là chiếc xe máy cà tàng, phía sau cột thêm hai sọt (bội) đan bằng lồ ô. Người dân nơi đây thường gọi đùa là đội quân “ hai sọt”.
Những phụ nữ vất vả mưa sinh với nghề nhôm nhựa.
Những phụ nữ vất vả mưa sinh với nghề nhôm nhựa.
Tầm khoảng 7-8 giờ sáng, đội ngũ này đã có mặt trên khắp các nẻo đường thôn, buôn trong huyện. Có lẽ không có ngõ ngách nào mà những người mua hàng này không tìm đến. Họ cần mẫn từ sáng sớm đến khi mặt trời trong bóng. Vào ngày mưa, không thể vào được những nơi sâu xa nên họ chỉ dạo quanh những xã có đường tỉnh lộ 9 và 12 chạy qua. Họ gắn bó với công việc không chỉ đây là kế sinh nhai, là miếng cơm manh áo của gia đình mà còn bởi công việc còn tạo cho họ niềm vui nho nhỏ vì đã góp phần giúp cho làng quê mình sạch đẹp hơn.

Chị Hà xã Hòa Lễ (45 tuổi), tâm sự: “Nhà chị có 5 đứa con, đứa con gái đầu  đã lấy chồng, hai đứa em kề sau đang học đại học và 2 đứa cuối đang theo học phổ thông nên kinh tế gia đình hết sức vất vả. Thu nhập thông qua nghề nông thì chẳng ăn thua. Nếu không tranh thủ làm nghề này thì con tôi không thể nào tiếp tục đi học được”.

Được biết, thu nhập của nghề này cũng rất bấp bênh, có khi may mắn, gặp được nhiều hàng, có cơ quan nào bán giấy loại hoặc thanh lí các loại sắt vụn, máy móc, về bán được 500 ngàn đến cả triệu đồng. Cũng có hôm chạy xe rong ruổi cả trăm cây số mà chiều về chỉ vỏn vẹn 100-150 ngàn đồng vùa đủ tiền xăng xe và chi tiêu lặt vặt của gia đình trong ngày. Dù vậy, cũng phải đi, bởi không đi thì lấy tiền đâu mà trang trải cuộc sống.

Những người làm nghề nhôm nhựa thường đi cả ngày, buổi trưa thì tụ tập nhau ở quán bình dân ven đường ăn qua loa tô mì, phở rồi vội vàng tranh thủ đi vào từng nhà để thu mua. Vất vả là vậy, nhưng với những người như chị Hà đây tuy là nghề phụ nhưng lại là thu nhập chính. Thế nên, quanh năm suốt tháng hầu như họ gắn bó với chiếc xe 2 sọt. Chị Hạnh. 47 tuổi, ở xã Hòa Sơn huyện Krông Bông cho hay: “Nhà có 3 đứa con, đứa đầu học Đại học Tây Nguyên năm cuối, đứa thứ hai đang đi học nghề và đứa út học phổ thông; cha làm thợ xây, nhà làm ruộng, rẫy nuôi lợn, nhưng không đủ cho 3 đứa con ăn học. Tiền nhà nước hỗ trợ cho vay cũng không thể trang trải đủ nên mẹ phải chịu khó đi kiếm thêm tiền”. Cũng theo lời các chị, có những nhà còn nuôi 3 đứa con học đại học, số tiền vay vốn sinh viên lên đến hàng chục triệu đồng. Con ra trường kiếm được việc làm thì còn đỡ đần được bố mẹ nhưng thời buổi bây giờ đâu phải ai học ra cũng tìm được việc nên “cục nợ” đó bố mẹ phải còng lưng kiếm trả.

Cơ cực, là thế nhưng các bà, các chị vẫn chịu khổ, chịu khó để nuôi dạy con cái nên người. Hơn nữa, nghề của các chị cũng góp phần không nhỏ về bảo vệ môi trường nông thôn nơi đây. Cái tảo tần của người phụ nữ Việt Nam, sự hi sinh hết lòng vì chồng, con đã khiến cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm này càng tự hào hơn trên mỗi cung đường miệt mài kiếm sống.