KTĐT - Các món ăn ngày Tết được chào bán nhộn nhịp trên chợ online với mức giá tăng 10-30%, chi phí vận chuyển cũng tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với ngày thường.
Lướt các trang rao vặt hay các diễn đàn, bên cạnh không khí rộn ràng mua sắm quần áo, đồ mỹ phẩm để diện Tết, nhiều chị em còn bị thu hút bởi các lời chào bán món ăn ngày Tết. Những mẩu tin này thường nhận được nhiều phản hồi. So với các năm trước, giá cả món ăn Tết trên mạng đều tăng thêm khoảng 10- 30% do xu thế tăng chung.
Chị Châu Anh ở Hào Nam (Hà Nội) chủ shop rao vặt “dưa hành muối kiểu mới” trên diễn đàn lamchame cho hay, năm ngoái, giá bán 1 kg hành muối là 50.000 đồng, thì năm nay tăng lên 66.000 đồng một kg. Nguyên nhân là các nguyên liệu như mắm, đường, hạt tiêu, củ hành… đều tăng giá mạnh.
Chỉ nhận đặt hàng đến hết ngày 25 tháng Chạp, chị Châu Anh tiết lộ, nếu tính cả khách trên các trang rao vặt và diễn đàn, số đơn đặt hàng đã lên tới hàng trăm. Khách hàng chủ yếu là những chị em làm công sở, văn phòng, được nghỉ Tết muộn nên tranh thủ đi chợ online. Cũng theo chị Châu Anh, có những khách đặt một lúc 5 kg hành, vừa để ăn, vừa đi biếu.
Những món ăn truyền thống trong dịp Tết của người Hà Nội như thịt đông, bánh chưng, nem, mắm tép chưng thịt… trên chợ online cũng tăng giá so với năm ngoái do chi phí nguyên liệu tăng. Cụ thể, bánh chưng loại vừa giá 45.000 đồng một chiếc, thịt đông 30.000 đồng một hộp tròn 0,4 kg, cá trắm kho 180.000 đồng một kg, mắm tép chưng thịt 240.000 đồng một kg, nem thịt và nem hải sản có chung mức giá 6.000 đồng một chiếc…
Chị Nga – người đăng rao vặt các món ở trên cho biết: “Năm ngoái, chiều 30 Tết vẫn phải chạy đi giao hàng cho khách. Năm nay, tôi sẽ chốt đơn đặt hàng vào chiều 28 Tết, để dành buổi cuối còn nghỉ ngơi, chuẩn bị Tết ở nhà mình”.
Theo những người cung cấp dịch vụ món ăn ngày Tết trên chợ mạng, dịp cuối năm, chi phí vận chuyển đến tận nhà thường cao hơn so với các thời điểm trước đó.
Chị Thu ở Kim Liên có thâm niên kinh doanh bánh chưng Tết trên mạng từ khoảng 3 năm gần đây cho hay, cuối năm, đơn đặt hàng nhiều, cộng thêm đường sá tắc nghẽn liên miên là nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường.
Năm nay, giá bánh chưng bán trên mạng cũng cao hơn năm ngoái khoảng 5.000- 10.000 đồng một chiếc. Chị Thu cho hay, bánh chưng truyền thống với nhân đỗ xanh, thịt thường có giá bán tùy vào trọng lượng bánh, nhưng phổ biến từ 35.000 đồng đến 100.000 đồng một cái. Đắt khách nhất hiện nay là loại bánh chưng cỡ trung, có giá bán trên dưới 50.000 đồng một chiếc với kích thước vừa, nhìn gọn và đẹp.
Chị Ngọc Anh, ở Cầu Giấy - nhân viên kế toán một công ty du lịch tại Thanh Hóa là khách hàng thường xuyên của chợ mạng mỗi dịp Tết lưu ý: “Tốt nhất là khi người giao hàng mang đồ đến nơi thì nên kiểm tra thật kỹ hạn sử dụng của hàng hóa rồi mới trả tiền. Nếu mua với số lượng nhiều, cần yêu cầu người bán cam kết hàng đảm bảo nguồn gốc thực phẩm tốt, không có chất bảo quản hay có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm”.
Còn theo lời khuyên của chị Hồng Ngân ở Kim Giang (Thanh Xuân), mua món ăn ngày Tết trên mạng, kinh nghiệm tốt nhất là để ý các comment (phản hồi) từ những thành viên khác. “Nếu rao vặt được nhiều người quan tâm, đặt hàng và đã bán lâu năm, thì có thể an tâm mua hàng, và ngược lại nên cẩn trọng với những rao vặt mới xuất hiện”, chị Ngân kết luận.