Với hơn 15.000 dược sĩ, 113 doanh nghiệp sản xuất và phân phối lưu thông, 48.499 cơ sở bán lẻ thuốc trên khắp đất nước... ngành dược cùng các dược sĩ đã đáp ứng được nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
Góp phần không nhỏ vào thành tích trên có sự lao động miệt mài, đầy tâm huyết của những nữ "chiến sĩ áo trắng". Bên cạnh DS.TS Phạm Thị Việt Nga, DS.Ths Vũ Thị Thuận, những người đã có nhiều công lao đưa Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP Traphaco trở thành những đơn vị nghiên cứu, sản xuất dược phẩm hàng đầu của Việt Nam, thì DS Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình là người có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện.
DS Lê Thị Bình tặng chăn ấm cho đồng bào nghèo tại xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Với tâm niệm "làm từ thiện điều cốt yếu không phải là tiền, mà là ở ý nghĩa của việc làm đó sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ sự cảm thông chia sẻ với cộng đồng xung quanh bằng tình cảm xuất phát từ chính trái tim nhân hậu vốn có trong mỗi con người Việt Nam", chị Bình đã giành một chi phí không nhỏ cho công tác từ thiện, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, các cháu học sinh vùng sâu vùng xa, coi công tác khám chữa bệnh nhân đạo là một mảng trong hoạt động của Công ty Tâm Bình - đó là điều rất đáng quý.
Với sự cương quyết, bản lĩnh, nhạy bén, những "bông hoa" của ngành dược Việt Nam đã đưa công ty vượt qua các giai đoạn sóng gió. Các chị đã chèo lái con thuyền doanh nghiệp Dược đi đến thành công. Những giải thưởng như Cúp Bông hồng vàng, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới, Doanh nhân nữ tiêu biểu cùng nhiều danh hiệu cao quý khác… là sự tưởng thưởng xứng đáng cho cái tâm, lòng yêu nghề của các chị.
Là những giáo viên trực tiếp đào tạo, chúng tôi rất tự hào với những lứa học sinh như thế. Hy vọng, những thế hệ dược sĩ sau này, đặc biệt là các nữ dược sĩ kế tiếp sẽ phát huy được để đóng góp thêm vào sự phát triển của ngành Dược Việt Nam. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng ta xin chúc các nữ dược sĩ tiếp tục đóng góp và phát huy tâm tài, bản lĩnh, trí tuệ để ngành Dược Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn trong nền kinh tế của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.