Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những chặng đường lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công chói lọi để giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong tình hình mới, QĐND Việt Nam tiếp tục là điểm tựa vững chắc để Đảng, Nhà nước và Nhân dân đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh hơn.

Từ ngày đầu non trẻ

Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang (LLVT) để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng.Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là mầm mống đầu tiên của LLVT cách mạng Việt Nam.

 
Tuyên thệ tại lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 (ảnh tư liệu)
Tuyên thệ tại lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 (ảnh tư liệu)
Từ tháng 9/1939, trong phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, các cuộc khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích đã diễn ra trên nhiều địa phương. Hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập và phát triển như: Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)… Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Ngay sau khi thành lập, LLVT non trẻ đã làm nên hai chiến thắng vang dội tại Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra chương mới đầy hào hùng của QĐND Việt Nam.

Tháng 8/1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Thời cơ để Nhân dân Việt Nam vùng dậy giành tự do, độc lập đã đến. Sau khi phân tích tình hình, T.Ư Đảng quyết định: Phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng LLVT các địa phương và Nhân dân cả nước triệu người như một tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.

Đến những chiến công hiển hách

Giai đoạn từ năm 1945 - 1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của QĐND Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn từ khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành QĐND Việt Nam cùng với sự ra đời của các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351... đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của QĐND Việt Nam. Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia tổng khởi nghĩa, QĐND Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 7/5/1954, đập tan mưu toan thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc XHCN, vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam - lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất LLVT tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, QĐND Việt Nam đã sát cánh cùng với Nhân dân và các LLVT khác tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972; kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

Vững mạnh toàn diện trong tình hình mới

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, QĐND Việt Nam tự hào vì đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong gần 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay. Đó là, quân đội đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quân đội đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng, tham gia vào phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Các ngành công nghiệp, hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ... của quân đội cũng từng bước được đổi mới, phát triển. 

Đối với công tác dân vận, các đơn vị quân đội luôn chú trọng đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ. Một số mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội, như: "Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, biển, đảo", "Ngân hàng Bò" của Bộ đội Biên phòng; "1.000 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến" của Quân khu 9; hành trình "Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng", kết hợp thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội, tạo sức lan tỏa, mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc.