Tất cả, đã và đang cho thấy một Hà Nội hôm nay đã khác trước, với sự khởi sắc từng ngày bằng những bước đi chắc chắn, quyết liệt và tin cậy...
Từ chuyện TP "áp đặt" nâng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đến từng sở, ngành hồi quý II/2016, khi mà thời gian để có thể phấn đấu xoay chuyển được nó không còn nhiều bên cạnh sức ỳ vốn đã ngấm sâu trong bộ máy công quyền. Tuy hồi đó tôi khá tự tin vào cách mà Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung là người "giao bài" rất cụ thể với từng con số khác nhau cho mỗi sở, ngành cần phải tự nhích lên. Nhưng, thú thực, trong thâm tâm, tôi vẫn hơi có chút hồi hộp nhất định. Điều này xuất phát từ việc thời gian để thực hiện cho được các chỉ số cạnh tranh đó lại chỉ còn 3/4 thời gian. Ấy vậy mà kết quả thật bất ngờ như công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Điểm đáng ghi nhận trong PCI 2016 là sự chuyển động ở các “đầu tàu” như Hà Nội, nay đã xếp thứ 14 (tăng 10 bậc), TP Hồ Chí Minh xếp thứ 8, dù tụt 2 bậc, song vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, đây là năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm xây dựng chỉ số PCI, Đà Nẵng đứng vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng. Sau Đà Nẵng, là những “ngôi sao” về cải cách: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai. PCI năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực cải cách ở các địa phương, các điểm số giữa nhóm đầu và nhóm cuối được rút ngắn, như vậy là các tỉnh đã... vượt lên chính mình. Tôi nghĩ, Hà Nội chính là điểm sáng trong số đó. Và nếu hồi tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội không "ốp" quyết liệt chỉ tiêu phấn đấu và sau đó giám sát rốt ráo các ngành thì làm sao có thể đạt được như thế?
Từ chuyện chỉ ra sự bất cập trong dịch vụ công ích của khâu trồng hoa, cắt cỏ tốn kém bấy lâu nay. Hà Nội đã tìm ra những giải pháp tiết kiệm hơn thông qua cách đấu thầu từng mảng việc để sau đó chặt chẽ hơn. Nhờ vậy, Hà Nội tiết kiệm được nhiều chục tỷ đồng cho ngân sách. Theo tôi, đây không thể là chuyện nhỏ mà cần xem đó như một cách làm rất đáng ghi nhận, nhất là khi bị đụng chạm tới các nhóm lợi ích đã có từ lâu... Rồi chuyện chỉ rõ "tổ con tò vò" rằng có nhiều công an "bảo kê" cho các quán bia với con số rất cụ thể mà Chủ tịch UBND TP đưa ra, rồi chuyện Hà Nội chỉ đạo dẹp vỉa hè không ồn ào mà phải có chiều sâu và để dân phải tâm phục khẩu phục thì mới có thể bền vững trong 2 tuần vừa qua đã cho thấy nhiều chuyện tưởng vậy mà không phải vậy... Lòng dân nói chung hóa ra không phải đều như nhau. Người không có quyền lợi trực tiếp ở mặt tiền nhà mình, đương nhiên hoan nghênh chủ trương này. Nhưng ngay cả người bị dẹp hàng quán để trả lại hè đường cho người đi bộ cũng không hẳn đã phản ứng quyết liệt như có người đoán. Họ cũng buồn vì bị đánh vào miếng cơm, manh áo. Song họ cũng thừa hiểu rằng mình đâu có cái quyền như thế. Nó không phải là quyền họ được sở hữu riêng như lâu nay, vì thế, khi đã nhận thức ra vấn đề, bên cạnh thái độ của dư luận xã hội, tôi nghĩ họ cũng sẽ ứng xử biết điều hơn.
Tôi để ý và thấy ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội từng tỏ ý băn khoăn trong chuyện này. Đó là số phận của những người nghèo bán hàng trên vỉa hè mưu sinh rồi sẽ sống ra sao? Con họ đang đi học sẽ sống bằng gì khi gia đình không còn được bán quán? Đây là một bài toán khó cho lãnh đạo chính quyền các cấp. Chúng ta cần chia sẻ và tìm giải pháp tối ưu cho câu chuyện cũng không hề nhỏ này.
Sự đồng thuận cao từ người dân cho đến lãnh đạo các cấp trong cách nghĩ và biện pháp hành động, đó là điều cốt lõi để TP Hà Nội tạo nên những chuyển động tích cực như hôm nay. Tôi tin, rồi đây, Hà Nội của chúng ta sẽ rất khác nếu cứ tiếp tục theo đà này.