“Tối nay ngồi lướt web một lúc, hết luôn nửa tháng lương. Từ giờ đến kỳ lương mới, không biết ăn gì đây”, Trâm Anh viết status trên Facebook đồng thời đăng hình ảnh quần áo cô vừa nhặt vào giỏ hàng trực tuyến. Sống độc thân tại Hà Nội, cha mẹ ở quê khá giả, bao nhiêu tiền kiếm được Trâm Anh đầu tư hết vào quần áo, làm đẹp. “7 ngày trong tuần không được phép mặc trùng quần áo với nhau”, cô gái 25 tuổi chia sẻ phương châm ăn mặc. Từ hồi sinh viên, Trâm Anh đã có thói quen mua sắm nhiều quần áo để làm sao dồn quần áo bẩn đến cuối tuần giặt mà vẫn xông xênh. Thời đó cô chỉ mua quần áo rẻ tiền ở chợ sinh viên, còn đến khi đi làm thì chọn mua tại shop đắt tiền.
Các cô gái chưa lập gia đình thường tốn nhiều tiền cho quần áo, làm đẹp. Ảnh: Istock |
Đi kèm mỗi bộ quần áo hay chiếc đầm lại là những phụ kiện như giày, khăn, vòng, túi "ton sur ton". Bạn bè đến nhà Trâm Anh cũng phải choáng vì tủ giày và quần áo chật ních của cô. Vì thế với thu nhập hơn chục triệu mỗi tháng từ công việc thiết kế ở một công ty quảng cáo, cộng thêm vẫn nhận việc ở ngoài về nhà làm, nhưng sau 3 năm đi làm mà Trâm Anh không bỏ ra được đồng nào. Trong tài khoản ATM của cô lúc nhiều nhất cũng chỉ có hơn chục triệu. “Em thuê nhà cùng hai đứa bạn, tiền nhà điện nước tính ra mỗi tháng hết 1,5 triệu, ăn uống thì không tốn, đi ăn với bọn con trai chẳng bao giờ phải trả tiền, thế mà không hiểu tiền đâu hết. Bây giờ muốn đổi cái iPhone 4 sang iPhone 5 mà bí quá, hy vọng thưởng Tết nhiều nhiều để không phải xin bố mẹ”, Trâm Anh than thở. Không đầu tư vào quần áo và công nghệ như Trâm Anh nhưng Giang (giáo viên ngoại ngữ ở TP HCM) lại tốn tiền cho những chuyến du lịch. Tổng kết lại năm 2013, cô gái 27 tuổi đã 4 lần bỏ tiền đi các nước trong khu vực và 2 lần ra Bắc chơi. Đợt Sapa (Lào Cai) rơi tuyết vừa qua, Giang là một trong những du khách có mặt tại đây. Cô thường lên mạng săn vé máy bay giá rẻ, tiền đi lại không quá tốn, nhưng đi chơi thì không thể không mua quà cho người thân hay bỏ tiền để chi trả cho các dịch vụ. Với quan niệm tranh thủ khám phá thế giới, sau này lấy chồng chỉ ngồi nhà ôm con, Giang đang lên kế hoạch đi xa hơn đến Ai Cập hoặc châu Âu. Mỗi lần đi chơi, cô đều nói dối bố mẹ phải đi công tác để không phải nghe những lời càm ràm. "Mẹ bảo sau này lấy chồng mẹ cho toàn bộ tiền làm đám cưới nên mình cứ đi du lịch thôi", Giang lý giải. Ngọc (24 tuổi, nhân viên một công ty xây dựng tại Hà Nội) đã bắt đầu thấm thía cho những lúc tiêu pha không tiếc tiền. Mấy tháng gần đây, công ty chỉ trả 50% lương, Ngọc phải gọi điện cầu cứu bố mẹ ở dưới quê gửi tiền viện trợ. Trước đây, thu nhập khoảng 7 triệu mỗi tháng, Ngọc bỏ ra 1 triệu tiền thuê nhà ở cùng với hai người bạn, còn đâu cô dành cho quán xá và siêu thị. Cứ mỗi lần cãi nhau với người yêu hay gặp chuyện không vui, Ngọc đều đi shopping. Nhiều đồ dùng hay quần áo mua trong lúc buồn, về sau cô không thích dùng nữa lại được đem tặng người quen. Thậm chí có bộ quần áo chưa mặc lần nào Ngọc đã thấy chán. Ngoài ra, cô còn đặc biệt thích mua sắm cho mấy đứa cháu gọi bằng dì. Đồ chơi, quần áo cho bọn trẻ, Ngọc mua không tiếc tay đến nỗi chị gái và mẹ phải tuyên bố cấm cô mua đồ cho bọn nhóc. Bây giờ, Ngọc hết tiền tiêu nhưng cô không thể đòi tiền đã cho mấy người bạn vay vì các bạn không có tiền trả. Tất cả cũng đều đã tiêu hoang và đang bị giảm lương như cô. Thậm chí, cái laptop vừa hỏng card màn hình cô phải mang về quê nhờ bố đem đi sửa hộ. Vì nếu xin thêm tiền để tự sửa thì mẹ cô sẽ không "duyệt chi". Theo giáo sư, tiến sư tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP HCM), những bạn trẻ tiêu pha đến nỗi không tiết kiệm được đồng nào thường là người ham vui. Sức khỏe phụ nữ không tốt bằng nam giới, nếu cũng ham vui như nam giới, đến lúc thất nghiệp, ốm đau, không có tiền thì khó xoay xở hơn rất nhiều. Ông khuyên các bạn gái, dù thu nhập thế nào cũng nên lập một khoản dự trữ, đề phòng những lúc khó khăn. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, công việc bấp bênh nếu không có chút tiền phòng thân, đến lúc khó khăn rất có thể sẽ đánh mất bản thân. Một giảng viên bộ môn kinh tế gia đình thì cho rằng, phụ nữ nhìn chung thường ham đồ khuyến mại, thấy rẻ nên mua về, nhưng rồi để đấy không sử dụng đến, như thế rẻ mà lại thành đắt. Các cô gái chưa lập gia đình thì thường tốn rất nhiều tiền bạc không cần thiết cho trang phục, mỹ phẩm. Theo giảng viên này, đòi hỏi một cô gái độc thân vốn không phải có trách nhiệm với ai ngoài bản thân biết cách tính toán các khoản chi tiêu tỉ mỉ như một bà nội trợ là hơi khó khăn. Tuy nhiên, bà cho rằng cách tiết kiệm tốt nhất là sau khi nhận lương, các bạn gái nên trích ngay ra một khoản gửi tiết kiệm trước, rồi sau đó hãy cân đối chi tiêu trong khoản còn lại. "Tỷ phú Warren Buffett đã nói rằng không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm. Còn trong lời khuyên về tiêu tiền, ông cũng cho rằng nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mà mình cần”, bà nói. Để tăng mức độ hào hứng và hiệu quả của tiết kiệm, chuyên gia khuyên các bạn có thể đặt ra mục tiêu lớn và hiệu quả như dành tiền để tham gia một khóa học nào đó, thậm chí hãy đặt mục tiêu mua ôtô, mua nhà. Ngoài ra, các bạn cũng nên nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ cho mình đề phòng những lúc bệnh tật. Nếu may mắn không bị ốm đau, bạn sẽ có một khoản tiền tiết kiệm từ bảo hiểm trong tương lai. Và quan trọng nhất, trước khi quyết định chi tiền mua món gì, bạn hãy nghĩ xem mặt hàng đó có thực sự cần thiết cho mình không, mình có thể sử dụng nó như thế nào.