Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những công trình kỷ lục của Việt Nam năm 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, đại lộ Thăng Long hiện đại nhất nước, tòa nhà Bitexco cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh,... là những công trình tạo dấu ấn trong năm 2010.

KTĐT - Cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, đại lộ Thăng Long hiện đại nhất nước, tòa nhà Bitexco cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc đầu tiên dành cho ôtô Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương... là những công trình tạo dấu ấn trong năm 2010.

1. Cầu Cần Thơ - cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, đây là cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới.

Cầu Cần Thơ được khởi công ngày 25/9/2004 với tổng kinh phí dự toán gần 5.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Cầu chính thức hợp long ngày 12/10/2009 và khánh thành, thông xe ngày 24/4/2010.

Cầu Cần Thơ hoàn thành có tổng chiều dài gần 16km, rộng 23m với bốn làn xe cơ giới, hai làn bộ hành, cầu dẫn phía Vĩnh Long dài 520m, cầu dẫn phía Cần Thơ dài 1,2km. Điểm đầu cầu thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long điểm cuối nối với quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

2. Đại lộ Thăng Long - đại lộ hiện đại và dài nhất Việt Nam

Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ ngã tư đường Phạm Hùng, đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) và đến ngã tư giao với quốc lộ 21-đường Hồ Chí Minh.

Đại lộ được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3/10/2010, nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây không chỉ là đại lộ dài nhất mà còn là tuyến đường đạt chuẩn cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sử dụng nối các khu công nghiệp, khu đô thị với trung tâm.

Đại lộ Thăng Long nằm trong dự án đường Láng-Hòa Lạc, có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng. Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại, có tổng chiều dài là 29,264km, bề rộng mặt cắt ngang tuyến đường 140m gồm hai dải đường cao tốc với sáu làn đường tách biệt (hai đường gom, hai đường cao tốc, hai đường hầm), 12 cầu vượt ngang đường.

Không gian hai bên đường là vùng đệm cây xanh với chiều rộng tối thiểu mỗi bên là 200m.

3. Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương - đường cao tốc đầu tiên dành riêng cho ôtô

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương có chiều dài toàn tuyến là 61,9km, vận tốc thiết kế 120km/giờ, tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Công trình được khởi công ngày 16/12/2004 và khánh thành ngày 3/2/2010.

Đường cao tốc được thiết kế tám làn xe, nhiều đoạn xây dựng cầu cạn, không có giao cắt đồng mức với các tuyến đường khác. Đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tiền Giang là một phần của tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Việc đưa vào khai tuyến đường cao tốc này đáp ứng cho khoảng 50.000 lượt ôtô qua lại mỗi ngày. Với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, thời gian từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như khi chưa có tuyến đường này.

4. Cầu Vĩnh Tuy - cầu rộng nhất Việt Nam

Là một trong bảy cầu vượt sông Hồng trên địa bàn Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy nối quận Long Biên và Hai Bà Trưng do thành phố Hà Nội đầu tư với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng. Cầu được khởi công xây dựng ngày 3/2/2005 và khánh thành ngày 26/9/2010.

Đây là cây cầu đầu tiên do Hà Nội tự đầu tư và xây dựng. Cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất (tám nhịp) liên tục đúc hẫng dài 990m, trong đó nhịp đúc hẫng lớn nhất dài 135m. Toàn bộ cầu chính qua sông rộng 19m và cầu cạn dài 5,8km đều do tư vấn, kỹ sư, công nhân của Việt Nam thực hiện.

Việc đưa cầu Vĩnh Tuy vào hoạt động sẽ góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3km, giảm tải cho cầu Chương Dương.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định đầu tư giai đoạn 2 (khởi công tháng 8/2010) mở rộng mặt cầu Vĩnh Tuy rộng tới 38m - đạt kỷ lục cầu rộng nhất Việt Nam.

5. Tòa tháp Bitexco 68 - tòa tháp cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa tháp Bitexco 68 tầng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, được coi là cao nhất thành phố, đứng thứ 2 trong cả nước, được thiết kế bằng thép và kính, vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Tòa nhà được xây dựng năm 2005 và khánh thành ngày 31/10/2010.

Tòa tháp mô phỏng hình ảnh duyên dáng của búp hoa sen, được xem là biểu tượng cho sự năng động của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Cao ốc này cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh hàng chục nghìn m2 văn phòng và thương mại, có một sân đậu máy bay trực thăng và hệ thống thang máy hiện đại có tốc độ 7m/giây. Phần trên cùng của tòa nhà được trang trí, thắp sáng đèn về đêm tạo ra vẻ đẹp lộng lẫy như ngọn hải đăng của thành phố.

6. Bảo tàng Hà Nội - bảo tàng mới và độc đáo

Bảo tàng Hà Nội được xây dựng trên khu đất rộng 53.963m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị Quốc gia bên đường Phạm Hùng, Hà Nội, hai tòa nhà này tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn, cảnh quan đẹp ở phía Tây Hà Nội.

Công trình Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích sàn khoảng trên 30.000m2, được khởi công xây dựng ngày 19/5/2008 và khánh thành ngày 6/10/2010.

Bảo tàng được thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với bốn tầng nổi và hai tầng hầm, mỗi tầng trên vươn ra ngoài so với tầng kề dưới 5m, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất và diện tích các tầng dưới nhỏ dần, chiều cao của Bảo tàng là 30,7m, được coi là công trình bảo tàng ấn tượng nhất Việt Nam.

Bảo tàng Hà Nội đã trở thành nơi lưu giữ, trưng bày hàng chục nghìn hiện vật, di sản văn hóa phản ánh quá trình phát triển của thủ đô Hà Nội qua nhiều thời kỳ, là địa chỉ văn hóa được nhiều nhân dân Hà Nội và du khách trong, ngoài nước tìm đến.

Đặc biệt, trong sảnh chính của bảo tàng lưu giữ một bức thư gửi tới thế hệ mai sau, sẽ được mở ra sau 100 năm tới. Hàng trăm quà tặng của bạn bè trong và ngoài nước tặng thủ đô Hà Nội dịp đại lễ cũng được lưu giữ tại đây./.