Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “điểm hẹn” nơi đô thị hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải là một cuộc chạy đua theo mốt thời thượng, cũng không phải là một sự bắt chước cho bằng chúng bạn, mà đã có những nghiên cứu cụ thể và nghiêm túc khẳng định: Không gian sáng tạo (KGST) là xu hướng mà các nhà quản lý đô thị nên hướng tới trong quá trình phát triển các TP lớn ở Việt Nam.

Thiết thực cho sự phát triển của đô thị

Có thể lấy "mốc" là năm 2008, khi Hội đồng Anh mang sự kiện "Thành phố sáng tạo" vào Việt Nam cùng cái nhìn: Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm về công nghiệp sáng tạo. KGST bắt đầu được nhắc đến cùng với những dự án gắn liền với hai từ "sáng tạo" trong phát triển kinh tế cũng như quản lý đô thị. Những "người trong cuộc" quan niệm: Trên toàn thế giới, khuyến khích sáng tạo là một chiến lược cơ bản để phát triển kinh tế và tạo ra việc làm mới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, những KGST trong các đô thị như các phòng tranh, nhà xưởng, văn phòng thiết kế, quán bar, quán café và các xưởng sáng tác của các nghệ sĩ cho thấy một tổng thể sinh động và hấp dẫn với rất nhiều cơ hội. Nơi đây, các KGST có thể có một vai trò quan trọng trong việc thương mại hóa đô thị, bởi chúng có thể có những đóng góp vào việc tạo ra hình ảnh của một TP hiện đại và cởi mở trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt giữa các đô thị.
Một góc không gian bên trong Zone 9 khi đang còn hoạt động.
Một góc không gian bên trong Zone 9 khi đang còn hoạt động.
 
Sản phẩm sáng tạo không chỉ một ngành nghề mà nó là sự kết hợp, cộng hưởng giữa âm nhạc, thiết kế, độ mở không gian... Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tìm kiếm các mặt bằng có đủ không gian sáng tạo.

KTS Đoàn Kỳ Thanh Tác giả thiết kế Zone 9 và X98
Mới mẻ và nhiều thách thức, song những KGST đã theo chân nhau mọc lên ở TP lớn tại Việt Nam. Đặc biệt là sau sự đóng cửa của Zone 9 với bao ồn ào tranh cãi, người ta càng nhận ra sự cần thiết của những KGST ở các đô thị hiện đại như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Vì thế mà 10 tháng sau khi Zone 9 đóng cửa, Nhà ga 3A đã ra đời tại TP Hồ Chí Minh; rồi 5 tháng sau nữa là Area21 khai trương tại Hải Phòng. Như PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích: Một khu nghệ thuật theo kiểu phương Tây như khu Nghệ thuật 798 ở Trung Quốc được xây dựng từ nhà máy quốc phòng 798 ở Bắc Kinh, Arts Quarter ở Budapest (Hungary) xây dựng trên nền của nhà máy nước giải khát, Broadway Market ở London (Anh) xây dựng trên nền chợ rau và hoa quả… có thể còn mới so với tư duy quản lý văn hóa của nhiều người, nhưng nó là thiết thực cho sự phát triển của đô thị hiện đại.

Loay hoay hoạt động tự phát

Nhìn ra thế giới, mô hình KGST đã phát triển từ lâu, trong mối tổng hòa của nền công nghiệp sáng tạo. Ở nhiều quốc gia phát triển, có những mạng lưới công nghiệp sáng tạo cùng phân vùng và mang nét đặc trưng văn hóa riêng của từng quốc gia. Ví như Quận văn hóa Tây Kowloon (Hongkong - Trung Quốc), Quận nghệ thuật Daishanzi Art (Bắc Kinh). Hay tại Anh, có một mạng lưới những KGST được đầu tư để phục vụ việc kinh doanh đồ cổ. Tại Colombia, có cả các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân và du lịch nghỉ dưỡng… Các nước ở châu Á, tuy khởi động muộn hơn các quốc gia châu Âu, nhưng các TP sáng tạo cũng đã được hình thành từ những năm 2001 - 2006. Ngay cả những nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã đi đầu và có sự đầu tư rất lớn, bài bản cho lĩnh vực này. Các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và những người thực hiện các dự án thuộc về KGST đều thừa nhận, KGST không chỉ làm nền để phát triển kinh tế, hỗ trợ quản lý đô thị, mà còn tạo giá trị kết nối giữa văn hóa truyền thống và những giá trị văn hóa mới.

Ở Việt Nam, rõ ràng ở thời điểm này, những KGST không còn quá mới mẻ mà đã có sức hút với không ít nghệ sĩ, người kinh doanh, giới khoa học công nghệ… Tuy nhiên, chưa hề có một chính sách, chiến lược chính thức nào hướng về nền công nghiệp sáng tạo, thế nên các KGST vẫn cứ loay hoay hoạt động một cách tự phát. Và những người "lao tâm" đầu tư thực hiện các KGST vẫn ôm bên mình một mối lo lắng: Kịch bản Zone 9 hoàn toàn có thể lặp lại một lần nữa.

Nói về chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh mềm hay sức mạnh tổng hợp của quốc gia, không thể chậm trễ phát triển hơn nữa so với các quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam đã được đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển công nghiệp sáng tạo. Vậy tại sao không thể ưu tiên và vạch ra một chiến lược cụ thể để phát triển các KGST ở các đô thị lớn?
Hà Nội được đánh giá là có tiềm năng nhưng chưa được khai thác đầy đủ trong việc thúc đẩy tiềm năng xây dựng KGST. Và Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên cần xây dựng, phát triển một khung quản lý, đi xa hơn nữa là cấp chứng nhận cho các trung tâm sáng tạo. 

Ông Michael Waibel Đại học Humburg (Đức)