Cô giáo Phùng Thị Kim Anh là một trong những cô giáo quyết tâm cắm bản mang con chữ đến cho học sinh vùng cao. |
Cắm bản vì tình yêu học trò
Vượt qua chặng hành trình đầy gian khổ, trèo đèo, lội suối với những cung đường đầy hiểm trở là bản Náy, nơi những cô giáo ngày đêm gắn bó. Hành trình cõng con chữ lên non không thể nào đong đếm bằng những con đường mà phải bằng tình yêu, tâm huyết của những cô giáo dành cho các em học sinh để khơi dậy những ước mơ nơi bản làng xa xôi. Để vào được đến bản, các cô phải đi mất hơn 20 cây số từ trung tâm xã. Trong đó, có hơn 2km là đường đèo. Những ngày mưa gió, đường sá lầy lội, các cô chỉ có thể đi bộ vào bên trong bản.
Cô giáo Phùng Thị Kim Anh, sinh năm 1975, quê ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn đã có 2 năm gắn bó với các em học sinh nơi đây. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi này, hơn ai hết, cô là người thấu hiểu nhất những nỗi khó khăn vất vả mà đồng bào và các em học sinh ở đây phải chịu đựng. Bởi vậy, ngay từ khi là cô sinh viên sư phạm, Kim Anh tự nhủ mình sẽ trở về quê hương và giúp đỡ các em học sinh vùng cao tìm kiếm con chữ.
Cơ sở khang trang mới được xây dựng của điểm trường Khu Náy, xã Yên Lương, huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. |
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học, cô xin về công tác tại điểm lẻ bản Kiếp Bình của Trường Tiểu học Yên Sơn. Hơn 20 năm gắn bó với sứ mệnh đem con chữ đến cho học sinh vùng cao, cô giáo Kim Anh chưa bao giờ từ bỏ mong muốn cháy bỏng của mình. Cô chia sẻ " Sau khi được phân công về xã Yên Lương cách đây 2 năm, tôi tình nguyện xin lên điểm trường Khu Náy. Đây là khu xa nhất, khó khăn nhất của xã Yên Lương. Đường sá đi vào khó khăn, xa gia đình, nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc nhưng mỗi khi nghĩ đến học trò, nghĩ đến tình cảm và sự yêu thương của bà con trong bản, tôi lại có động lực để tiếp tục theo đuổi".
Xa gia đình, xa bạn bè có lẽ là nỗi đáng sợ duy nhất của các cô giáo cắm bản. Bởi vậy, dù có đi xa bao lâu, khó nhọc bao nhiêu, những người phụ nữ ấy vẫn không nguôi nỗi nhớ về gia đình. Do đó, các cô vẫn luôn luôn động viên, giúp đỡ nhau, coi nhau là điểm tựa trong công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, tình cảm chan chứa của bà con nơi vùng cao và các em học sinh nhỏ là nguồn động viên tinh thần to lớn với mỗi cô giáo.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Cả bản khu Náy có tất cả 46 hộ gia đình, toàn là dân tộc Dao. Đây là bản khó khăn và đi lại xa xôi, trắc trở nhất của xã Yên Lương. Bởi vậy, việc vận động được các em học sinh theo học con chữ là điều tương đối khó khăn. Có em nhà rất xa, trèo mấy con suối mới đến được đến trường.
Trước đây, vào những năm 1998, 1999, bản bắt đầu có trường học nhưng chỉ tạm bợ. Học sinh đi học cũng ít. Trường chỉ lợp bằng lá, dựng bằng tre nứa. Sân trường làm bằng đất. Được sự quan tâm của các cấp ủy, ban ngành xã, các nhà hảo tâm mà năm 2015, trường đã tiến hành xây dựng được 3 phòng học với cơ sở tương đối khang trang, sạch sẽ.
Tháng 9 vừa qua, cô giáo Kim Anh đã đứng lên vận động các nhà hảo tâm và các ban ngành. Nhờ đó, huy động được 50 triệu tiền vốn xây dựng lại sân chơi cho các cháu. Riêng ủy ban xã đóng góp 10 triệu đồng. Tình đến nay, cơ sở vật chất về cơ bản là hoàn thiện, song vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ.
Ông Ban Văn Mế, Trưởng bản khu Náy cho biết: "Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các nhà hảo tâm, tôi thấy rất vui vì bản có được cơ ngơi khang trang sạch sẽ cho các cháu học tập. Chất lượng học của các cháu cũng được nâng cao hơn".
Hiện nay, điểm trường có tất cả 14 em học sinh đang theo học lớp cuối cấp tiểu học. Do còn nhiều khó khăn nên chỉ có 2 phòng học gồm 2 lớp học ghép theo trình độ lớp 1, 2, 3 và lớp 4, 5. Ngoài ra, trường còn có thêm lớp mầm non. Tất cả các em học sinh đều là người Dao nên ban đầu việc giao tiếp giữa cô giáo và học trò gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cô giáo đều cố gắng khắc phục.
Cô giáo Kim Anh, nhà nằm ở trung tâm thị trấn Thanh Sơn, hằng tuần cô phải vượt hơn 40 km lên cắm bản với các em học sinh. Cuộc sống xa nhà, điều kiện thiếu thốn. Bữa cơm lâu ngày chỉ đạm bạc với rau xanh, đậu khô và mì trắng. Hằng ngày, cô dạy lớp học ghép 1, 2, 3 nên nhiều lúc rất khó khăn trong việc giao tiếp với các em học sinh. Bởi vậy, mỗi tối, cô lại tranh thủ kèm cặp các em học viết, học đọc, học nói. Ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của lũ trẻ luôn luôn thôi thúc cô nhiệt huyết với nghề.
Cô giáo trẻ Lê Thị Mai, cũng là người dân tộc Dao chia sẻ: "Đời sống hiện nay của bà con người Dao tại bản còn kém. Bởi vậy, chỉ có con chữ mới giúp họ vươn lên được. Tôi muốn góp một phần công sức giúp con em đồng bào học tập, có kiến thức để tự xây dựng và phát triển cuộc sống. Mong các em thành tài để về giúp sức dựng xây quê hương".