Tờ mờ sáng, xuất phát từ thị trấn Mường Xén, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), khi núi cao còn ngập trong sương, anh Phan Duy Phú, Đội trưởng Đội chiếu bóng lưu động số 2, thuộc Công ty cổ phần Điện ảnh 12-9 Nghệ An thúc giục mọi người kiểm tra lại đồ đạc và phải ăn thật no để xuất hành. Đúng 6 giờ 30 phút, xe men theo con đường "ngang trời" cheo leo chìm vào khói sương hun hút giữa đại ngàn. Đội chiếu phim có ba người, ngoài anh Phú đội trưởng và một nhân viên kỹ thuật, có thêm một lái xe.
Chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào Khơ Mú tại xã Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An). |
Anh Phú cho biết: “Không phải vùng xa xôi hẻo lánh nào ô-tô cũng vào được đến nơi. Có khi anh em phải trèo đèo, lội suối cả chục ki-lô-mét, trên vai vác lỉnh kỉnh các thiết bị máy móc như máy chiếu, phim, loa... Mà thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, nắng như đổ lửa thì còn có thể đổi bằng mồ hôi, nhưng mưa gió rất đáng lo. Người có thể ướt, chứ máy móc thì không được để ướt". “Nỉa ơi!” (mẹ ơi), trẻ con, người lớn tập trung đầu bản để đón đoàn chiếu phim. Những cái nhìn lạ lẫm của mấy em nhỏ, cùng với sự đón tiếp nhiệt tình của bà con khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Tây Sơn là xã có 100% số dân là đồng bào dân tộc Mông. Xã có sáu bản, với gần 300 hộ dân. Đời sống của phần lớn đồng bào còn hết sức khó khăn. Chính vì vậy, ngoài việc chăm lo đời sống vật chất thì việc chăm lo đời sống tinh thần luôn được đặc biệt quan tâm. Đến nơi cũng là lúc trời xế chiều, bắt tay vào việc, người căng màn ảnh rộng, người kéo dây điện, bắc loa. Đúng 19 giờ, chương trình chiếu phim mới bắt đầu. Dưới ánh sáng đèn rọi mờ mờ, ông Vừ Vả Trỉa, bản Huồi Giảng 2, nay đã 78 mùa rẫy, xúc động nói: “Từ cái màn hình to mà ta được gặp lại Bác Hồ, thấy Bác đi lại, nói cười với dân bản ta. Ta vui lắm!”. Anh Vừ Vả Nù, cán bộ văn hóa xã Tây Sơn cho biết: "Dù trong các bản, nhiều hộ đã có ti-vi nhưng mọi người rất thích xem phim màn ảnh rộng, đi xem tập thể rất vui, được xem cả nội dung tuyên truyền, nên bà con hiểu và biết được nhiều hơn. Công tác chiếu bóng có hiệu quả rất lớn trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn”. Sau buổi lưu chiếu tại bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, bịn rịn chia tay với bà con, họ lại tiếp tục cuộc hành trình ngược ngàn đến những điểm bản khác. Với mỗi thành viên trong đội chiếu bóng, mỗi tháng có đợt đi công tác 20 ngày. Trong khi địa bàn miền núi quá rộng, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ, nhưng các anh không được hưởng bất cứ chế độ gì ngoài phụ cấp khu vực với 150 nghìn đồng/buổi. Mỗi lần đi chiếu lại phải thuê xe vận chuyển máy móc hết sức khó khăn, vất vả… Anh Phú cho biết: “Gắn bó với công việc rất vất vả và đôi lúc buồn vì xa nhà, xa bạn bè, nhưng tôi không nỡ bỏ nghề khi chứng kiến sự hồ hởi của đồng bào. Đến nay, tôi đã hơn mười năm gắn bó với nghề. Bây giờ, tôi không còn nhớ hết được bao nhiêu lần đi chiếu bóng đến vùng cao. Chỉ biết rằng đến với từng vùng đã qua, tôi biết nhiều thế hệ trưởng bản, bí thư chi bộ. Bà con thuộc tên, tuổi, quý mến tôi và đón tiếp như người thân trong gia đình ở xa mới về”. Hiện nay, từ Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Nghệ An sau khi thực hiện cơ chế chuyển đổi năm 2010 cho đến nay đã thuộc Công ty cổ phần Điện ảnh 12-9. Từ 32 người, nay Trung tâm phát hành và chiếu bóng còn lại chín người, chia làm ba đội, trong đó, đội 1 phụ trách tuyến quốc lộ 48, đội 2 phụ trách tuyến quốc lộ 7. Mỗi đội được giao định suất 143 buổi chiếu mỗi năm trên toàn tỉnh. Đội 3 phụ trách chiếu tại các phường, xã và tại Quảng trường Hồ Chí Minh khu vực thành phố Vinh. Riêng hai đội phụ trách hai tuyến quốc lộ chủ yếu phục vụ vùng dân tộc miền núi. Cung đường của họ đi đều hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính từ năm 2010 đến 2016, đội đã thực hiện hơn 1.400 buổi chiếu phim, phục vụ gần 300 nghìn lượt người xem. Nói về vai trò chiếu phim lưu động, chị Quách Thị Cường, Phòng Nghiệp vụ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: "Hiện nay, ti-vi, vô tuyến, điện thoại phủ sóng đến các trung tâm bản, làng. Tuy nhiên, với lợi thế linh động đã giúp đội chiếu phim lưu động có thể len lỏi khắp các bản, làng xa xôi, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương và đưa những sản phẩm văn hóa đến với công chúng. Vậy nên cần có cơ chế chính sách để bảo đảm quyền lợi cho những người xung kích trên mặt trận văn hóa...". Được biết, khi chuyển sang Công ty cổ phần Điện ảnh 12-9, tại tờ trình gửi Tỉnh ủy Nghệ An số 1984 ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Bảo đảm các chế độ quyền lợi người lao động cao hơn so với khi làm việc tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Nghệ An”. Tuy nhiên, người lao động sau đó chỉ được tăng lương 20% một lần sau khi chuyển đổi. Sau đó, doanh nghiệp xóa bỏ thang, bậc lương đang thực hiện, thay vào đó mức lương do họ quyết định, thấp hơn mức lương theo quy định của Nhà nước, cũng không tăng lương như đã cam kết. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng ngày nối ngày, năm nối năm, những người chiếu phim lưu động cứ âm thầm đem ánh sáng văn hóa đến các bản làng xa xôi heo hút hay những nơi chót vót miền biên ải bằng tất cả trách nhiệm và lòng yêu nghề.