Cũng như mọi ngày, vào lúc 18 giờ ngày 30 Tết, chị Bùi Thu Trang, một nữ lao công 33 tuổi, ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đã có mặt tại điểm cất giữ “đồ nghề” để bắt đầu công việc quét rác đêm.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị bảo, hơn 13 năm gắn bó với nghề vệ sinh môi trường đô thị (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên môi trường đô thị - URENCO) thì cũng từng ấy thời gian chị phải “vắng nhà” trong đêm 30 Tết.
Chị lao công cần mẫn quét rác, "làm đẹp xuân" cho đường phố Thủ đô.
Đoạn đường chị Trang phụ trách lúc mới vào nghề đến nay là một “tam giác” từ phố Kim Liên-Xã Đàn-Lê Duẩn. Thông thường, thời gian làm việc bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 2 giờ sáng ngày hôm sau.
Chị kể, hôm nay, sau khi lo bữa cơm tối cho gia đình, chị lại lủi thủi đến điểm cất dữ “đồ nghề” là chiếc chổi tre và thùng rác, để bắt đầu ca làm việc cuối cùng của năm. Trước lúc đi, chị không quên thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, rồi dặn chồng thịt con gà để đón mừng Xuân mới.
Lần theo “tam giác” được phân công, cứ sau ba, bốn tiếng kẻng báo gọi, chị lại dừng xe ven đường để người dân mang rác ra đổ vào thùng. Đến khi thùng rác được chất đầy, cao gấp đôi chiều cao của chị, nữ lao công lại đẩy thùng rác nặng nề về điểm tập kết để chiếc xe môi trường chuyển ra lò đốt Sóc Sơn.
Chị Trang bảo rằng, chị bắt đầu làm nghề dọn vệ sinh môi trường từ năm 20 tuổi. Cũng vì yêu cái nghề làm sạch phố phường mà đã hơn mười năm chị phải “vắng nhà” trong đêm giao thừa. Với chị, dọn vệ sinh trong đêm là công việc rất ô nhiễm, nhưng làm mãi rồi cũng thành quen.
Cái nghề làm đẹp đường phố, chị yêu là vậy, song có một điều khiến chị chạnh lòng trong suốt 13 năm qua là thiếu bữa cơm tối trọn vẹn cùng gia đình.
“Dù đã quen với nghề quét rác đêm, với lại ngước lên cũng phải biết nhìn xuống, nhưng trong đêm khuya, mỗi khi thấy người ta hối hả trở về nhà, chị cũng buồn lắm,” chị tần ngần nói.
Khẽ thở ra, chị ngồi bệt xuống hè đường, lấy trong túi áo ra gói bánh quy ăn tạm. Dưới ánh đèn lòe loẹt của phố, chị lại hướng ánh mắt xa xăm về ngôi nhà nhỏ của mình.
Rời khu “tam giác” của chị Trang, chúng tôi đánh xe về con đường gốm sứ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trên con đường được coi là “công trình nghệ thuật” này, bà Nguyễn Thị Lan, một người có thâm niên hơn gần 30 năm gắn bó với nghề quét rác cũng ngậm ngùi khi phải đón giao thừa không có người thân.
Bà Lan kể, vì nhà ở tận phường Việt Hưng, quận Long Biên nên ngày nào cũng phải mất vài chục phút đạp xe mới tới được điểm thu gom rác thải, nhận “đồ nghề” để làm việc.
“Thấm thoắt mà đã gần 30 năm ròng làm nghề rồi cháu ạ. Nhanh thật đấy! Còn nhớ những ngày đầu mới đi làm, ra đường còn mẫn cảm với mùi xú uế. Vậy mà dần cũng thành quen, rồi thì yêu nghề lúc nào chẳng biết.”
Gắn bó lâu năm với nghề lao công là vậy, nhưng ít ai biết được những nhọc nhằn mà người con, người vợ và người mẹ như bà đã và đang chưa thể làm tròn…
“Từ ngày làm nghề dọn vệ sinh đường phố, tôi có lỗi với gia đình nhiều lắm. Cũng vì ham cái việc làm đẹp phố phường mà có những bữa cơm, chồng không thấy mặt vợ, con không được mẹ chan canh. Ngay cả đi chợ, nấu ăn rồi rửa bát, hai bố con cũng tự lo liệu,” bà Lan ngậm ngùi kể.
Và đêm nay, đêm thứ 26 bà “vắng nhà,” lẫn trong tiết trời rét buốt, không cành đào, cành mai và cũng không miếng bánh chưng ấm no chào mừng xuân mới. Thậm chí còn gặp phải những rủi ro như bị nghiện ngập “trấn áp,” nhưng bà Lan vẫn một lòng tận tâm với nghề của người lao công.
Một đêm giao thừa chỉ có lá vàng và những túi rác, một đêm tất bật với nghề “làm đẹp Xuân” cho đường phố rồi cũng qua. Bước sang năm mới, một mùa xuân Quý Tỵ lại về. Chẳng biết có người đi đường nào chợt nhớ “tiếng chổi tre” của người “dọn phố”… trắng đêm qua.