Những “nữ hoàng” và… bệnh háo danh

Hồng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ồn ào vụ Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019 với hàng loạt các danh xưng: Nữ hoàng ngành Thép, Nữ hoàng Văn hóa tâm linh, Nữ hoàng nước rửa bát, Nữ hoàng Mỹ phẩm…, mới thấy tình trạng loạn xưng danh.

Thêm nữa, các danh hiệu Nhà báo quốc tế, giáo sư âm nhạc… đều không có trong từ điển định danh hiện nay. Đối với người Việt chúng ta, không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã phê phán về thói háo danh.
Nửa phong kiến, nửa hiện đại
Trong đề án cuộc thi Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019, không chỉ có các danh xưng Nữ hoàng các ngành, mà còn có cả Á hoàng 1, Á hoàng 2. Trước thực trạng này, GS Trần Lâm Biền bày tỏ: “Thời vua chúa đã lùi xa tự thuở nào mà bây giờ những danh xưng sặc mùi phong kiến lại trỗi dậy, trong khi kho tàng tiếng Việt không hề thiếu từ ngữ vừa đúng vừa hay dùng thay thế. Đã vậy lại còn kém hiểu biết khi sử dụng danh xưng “á hoàng” không hề có trong hệ thống danh vị phong kiến.
Không chỉ thế, trong nhiều lĩnh vực, nhìn đâu cũng thấy những danh hiệu rổn rảng. Âm nhạc thì có “ông hoàng nhạc trẻ”, “bà hoàng boléro”; thế giới người mẫu thì lại có “ông trùm chân dài”; màn bạc thì có “nữ hoàng điện ảnh”; khởi nghiệp thì có “shark” (“cá mập”). Tâm lý ưa nổi bật, khoái khổng lồ khiến người ta thích những cái mác như “kỷ lục”, “siêu khủng”, “đỉnh cao”, “vượt trội”, “triệu view”, “ngàn like”...
 ''Nhà báo quốc tế''' Lê Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại lễ tri ân trường cũ.
Người phát ngôn Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình thừa nhận hiện nay, có tình trạng một số đơn vị tùy tiện tổ chức tôn vinh, trao các danh hiệu, danh xưng cho nhóm đối tượng háo danh, sử dụng danh hiệu, danh xưng tự phong, tự nhận cho các mục đích cá nhân, không loại trừ mục đích thu lợi bất chính.
Lợi dụng việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật để trá hình thực hiện những hoạt động này, hậu quả đã tạo ra có những danh xưng, danh hiệu không phù hợp, thậm chí lố bịch gây sự bức xúc trong đời sống xã hội. “Bộ VHTT&DL khẳng định không ủng hộ, không cấp phép và đề nghị các địa phương, các cơ quan quản lý rà soát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai phạm, không để tiếp tục xảy ra những vụ việc và danh xưng tự phong tùy tiện như thế” - ông Nguyễn Thái Bình khẳng định.
Vấn đề “thể diện” quá đà, tính háo danh lại càng nở rộ trong thời đại công nghệ 4.0; thời đại con người ta sống ảo trên các trang mạng xã hội hơn đời thực. Nhiều phụ nữ cần được tung hô, ngày ngày vật lộn cơm áo gạo tiền, tối đến sống cuộc đời showbiz, mặc váy áo kim sa óng ánh, sải bước trên sàn diễn và thuê đội ngũ nhiếp ảnh ghi hình từng bước đi… để được cuộc sống như một nữ hoàng. Để có được cảm giác đó, nhiều người bỏ tiền trăm triệu, thậm chí tỷ đồng để mua danh.
Căn nguyên chạy chức
Giữa tháng 5/2019, dư luận trong nước bỗng dưng sôi sục với cái tên Lê Hoàng Anh Tuấn - người đã tổ chức một buổi tri ân mái trường ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - nhưng lại tự mình trưng ra cái phông lớn với hàng loạt danh xưng như: “Nhà báo quốc tế”, thạc sĩ luật học, tiến sĩ danh dự Đại học Leeds Vương quốc Anh và Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế... “Chói” mắt vì những danh xưng “khủng” nói trên, một số cơ quan báo chí vào cuộc điều tra.
Thời đại 4.0, không khó để phát hiện “nhà báo quốc tế” này vừa được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 3/2019, chưa được cấp thẻ) sai quy định. Đại học Leeds từ Vương quốc Anh cũng thông báo cho báo chí Việt Nam biết: Không tìm thấy trong danh sách tiến sĩ danh dự của trường có cái tên nào là Lê Hoàng Anh Tuấn từ Việt Nam. Tiếp nữa, cái mác “nhà báo quốc tế” sớm bị những nhà báo quốc tế thứ thiệt chỉ ra đó chỉ là giả.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng: “Tôi cũng chứng kiến khá nhiều người không xứng đáng với những danh hiệu nhưng bằng mọi cách, họ vẫn cố để có được những danh hiệu không xứng đáng này. Tôi cho rằng, như cha ông chúng ta từng nói “y phục xứng kỳ đức”. Chúng ta cần phải xứng đáng với những danh hiệu mà chúng ta có. Nếu không, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định”.
Những rối loạn có thể là, chúng ta có thể đặt những người không đúng trình độ vào những vị trí không thuộc về họ. “Khi những người đó ngồi chỗ không thuộc về mình, một mặt, họ không thực hiện được nhiệm vụ, chức trách của mình, làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội; mặt khác, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí xứng đáng cảm thấy hụt hẵng, mất ý chí phấn đấu” - ông Sơn bày tỏ.

"Người Việt rất kiêu căng. Ở nông thôn, vấn đề “thể diện” có tầm quan trọng xã hội hàng đầu. Người nông dân Việt Nam rất thích nổi bật trước mặt kẻ khác, và thích nên danh nên giá. Họ chẳng lùi bước trước một điều gì để thỏa mãn tính hiếu danh của mình, để chiếm một chỗ đứng tốt giữa các đồng hương. Họ chịu nhịn thịt và các món ăn ngon lành trong gần cả năm, hay mặc những quần áo vá chằng vá đụp, nhưng họ khao rất linh đình bằng sắc họ được phong." - Trích trong “Văn minh Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Văn Huyên

Bên cạnh đó, vì “danh hão” nhiều người có thể làm những việc như chạy chức, chạy quyền, chạy bằng hay khoe khoang tiền của, nhà cửa, xe cộ… Và cuối cùng, căn bệnh này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, trong vị trí và trong công việc. Từ hệ lụy này sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy từ đau lòng đến khôi hài khác trong xã hội.
Sơ hở của Luật
Nói về việc sẽ chấn chỉnh tình trạng xưng danh nữ hoàng, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình khẳng định, tổ chức và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là một nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, việc tổ chức với các nội hàm cũng như quy trình, danh hiệu trao tặng trong các cuộc thi đều phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật. Các nghị định cũng quy định rõ cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ VHTT&DL cấp phép; thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể T.Ư do Cục NTBD cấp phép; thi người đẹp ở các địa phương do UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép. Đề án tổ chức cuộc thi phải nêu rõ tên gọi, mục đích, ý nghĩa, thể lệ cuộc thi; nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức thi; danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng, thời gian trao giải...
Quy định là vậy, nhưng cuộc thi Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019 không phải cuộc thi “chui” đầu tiên. Tháng 8/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Sự kiện doanh nhân Phượng Hoàng Lửa (TP Hồ Chí Minh) về hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp “Duyên dáng doanh nhân 2018” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép với số tiền 90 triệu đồng.
Gần đây nhất, tháng 4/2019, vòng chung kết “Sao doanh nhân Việt Nam 2019” đã được tổ chức tại TP Vũng Tàu. Trong số các văn bản mà Ban tổ chức cung cấp liên quan đến cuộc thi, có công văn truyền đạt ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chấp thuận cho Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Sao tổ chức với nội dung: Ra mắt thí sinh vào bán kết dự án “Sao doanh nhân Việt Nam”. Sau đó, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh xác định công văn này là giả mạo.
Không chỉ có các cuộc thi “chui” của người lớn, mà còn có thi “chui” tài năng nhí dành cho trẻ con cũng đã và đang diễn ra. Dưới hình thức tổ chức đêm nghệ thuật và các đơn vị tổ chức thi tài năng, nhan sắc cho các em nhỏ ngay từ tuổi lên 5, lên 10. Vô tình, chính người lớn đã tiếp tay cho bệnh háo danh từ lớp trẻ.
Người Việt chúng ta có rất nhiều đức tính tốt. Nhờ phẩm chất tốt đẹp của mình, dân tộc Việt Nam mới có thể gìn giữ và phát triển đất nước. Nhưng bệnh háo danh là một trong những đức tính xấu mà người Việt cần chấp nhận nhìn thẳng như một nhược điểm để uốn chỉnh hành vi ứng xử của mình.

"Việc đề cao bằng cấp mà không phải thực học, học để lấy kiến thức cho bản thân, phục vụ xã hội, sẽ có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Vì bằng cấp, người ta có thể làm tất cả để đạt được danh hiệu này; và khi có bằng cấp, người ta cố gắng khoe bằng được những thành tích của mình. Đó là biểu hiện của thói háo danh hiện nay." - PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần