Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những phận đời trong đêm lạnh

Lại Tấn - Lệ Chi - Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm mới 2019 cũng là những ngày Hà Nội chìm trong rét buốt, cái rét thấu xương dường như muốn đóng băng tất cả.

Ấy vậy, trong lúc nhiều người được ở nhà để quây quần bên gia đình đón chào năm mới, không ít người dân lao động vẫn tần tảo mưu sinh. Hay đâu đó, trong các bệnh viện, nhiều bệnh nhân và người nhà cũng đang âm thầm vượt qua cái lạnh, chiến đấu với bệnh tật.
Mưu sinh trong giá rét

Đồng hồ điểm 12 giờ đêm 30/12, Hà Nội chìm sâu trong giá buốt, tại nhiều con phố vẫn có những người bán hàng đạp xe rong ruổi khắp những ngóc ngách của Hà Nội để mưu sinh. Còng lưng đạp xe chở theo sau chiếc tủ kính đựng vài chiếc bánh bao, kèm bên cạnh là cái bếp than hồng để giữ ấm nồi hấp bánh, chị Nguyễn Thị Liên (quê Bắc Giang) chia sẻ: “Rét thế này ai chẳng thích ở trong chăn ấm đệm êm nhưng mình mà nằm thì ba “cái tàu há mồm” ở nhà lấy gì đổ vào. Tết nhất đến nơi rồi, phải cố gắng làm thêm gấp hai gấp ba ngày thường còn có tiền mà lo Tết”. Chiếc xe đạp lăn bánh, từ cái loa nhỏ lặp lại liên tục “ai bánh bao không”, lại nghĩ về chị Liên, cảm giác buồn thê lương như kéo dài hơn.
 Người lao động ngủ vỉa hè tránh rét tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ở một góc phố khác, đội chiếc nón thấm đẫm gió sương, khoác trên mình cái áo mưa, bà Phạm Thị Vóc (quê Nam Định) trong dáng vẻ gầy gò rong ruổi với chiếc xe đạp chất đầy hoa quả dắt bộ từ đường Độc Lập qua phố Phan Đình Phùng để kịp giờ đến phiên chợ sáng tại Long Biên. Bà Vóc kể, mỗi chuyến hàng lời lãi cũng chẳng đáng là bao nhưng cũng thêm thắt một phần với chồng bà chạy xe ôm hàng ngày để lo cho mẹ già và 2 đứa con ở quê. “Đêm qua, chạy xe xa rét quá, ông nhà tôi bị cảm nằm cả ngày nay rồi nên mình phải cố lấy buổi chợ”. Dưới ánh đèn đường, bà Vóc cố lấy sức gồng mình dắt chiếc xe để không phải ngồi lên đạp, tốn mất chỗ để thêm hoa quả….

Không buôn bán như bà Vóc, chị Liên, chị Miền (quê Nam Đinh) lặng lẽ cầm thanh sắt nhỏ gẩy bới những túi rác ven đường để nhặt nhạnh phế thải bán lấy tiền. Đôi tay chị lạnh cóng, chiếc que sắt nhỏ cũng lạnh buốt vì sương đêm. Khổ nỗi, ngày nghỉ lễ, người dân về quê, đi du lịch nhiều nên cũng chẳng có nhiều rác ven đường để chị Miền kiếm thêm được cái vỏ lon, vỏ hộp. “Lạnh thì mặc thêm nhiều áo, mà lạnh quá thì lấy sức đạp xe thật nhanh một lúc là ấm người ngay” – chị Miền vẫn cười nói lạc quan khi trò chuyện. Thỉnh thoảng, chị dừng xe lại hà hơi ấm xoa xoa đôi bàn tay gầy guộc.
 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Lệ Chi
Ở Hà Nội, vào ban đêm, nơi tập trung đông người lao động nhất có lẽ là chợ Long Biên. Quá 12 giờ đêm, những chuyến xe tải vẫn tấp nập ra vào chợ. Vẫn xắn áo quá nửa cánh tay, hùng hục bốc dỡ những thùng hàng từ xe tải xuống xe cải tiến vận chuyển quanh chợ, anh Nam (quê Hà Nam) cho biết: “Thu nhập chính dựa vào nghề cửu vạn ở chợ nên tôi đã quen với việc này rồi. Chợ chỉ họp vào ban đêm, cuối năm có thêm nhiều việc nên dù thời tiết thế nào, tôi vẫn phải làm để lo Tết cho ông bà, vợ con ở quê”. Bước sang Tết Dương lịch 2019 là tròn 50 tuổi nhưng bà Mai – người phụ nữ hơn 10 năm làm việc ở chợ Long Biên vẫn cần mẫn đi làm thuê trong chợ. Không bốc vác nặng được nên ai thuê gì bà làm nấy. "Nhiều đêm chân tay đau nhức nhưng cuộc sống ở Hà Nội đắt đỏ nên tôi tranh thủ những ngày lễ khi nhiều người đã về nhà để có thêm công việc. Lưng đau nhưng chỉ ngưng làm là hết tiền tiêu nên vẫn phải cố thôi” - bà Mai kể.

Sẻ chia hơi ấm

Không phải vất vả mưu sinh ngoài đường trong đêm giá rét, vậy nhưng những người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện (BV) cũng phải gồng mình chống chọi với cái lạnh dưới 10oC của Hà Nội trong những đêm qua. Chăn ấm có lẽ là vật dụng "bất ly thân" của họ trong thời tiết giá lạnh. Mệt quá thì trải một nửa chăn ra hành lang bệnh viện để nằm lên, một nửa còn lại để đắp, không có chỗ nằm thì lấy chăn quấn quanh người. Giữa cái lạnh, tình người lại ấm lên khi những người nhà bệnh nhân ngồi tụm vào nhau, chia sẻ mảnh chăn ấm, cốc nước nóng hay manh áo khoác.
Người phụ nữ rong ruổi mưu sinh trên các phố phường Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Bên trong buồng bệnh, các BV đều tăng cường phương tiện chống rét cho bệnh nhân. Tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, 100% buồng bệnh được trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều, nước nóng và chăn ấm. Hệ thống điều hòa nhiệt độ luôn được bảo trì thường xuyên, bên cạnh đó hệ thống nước nóng được đầu tư giúp phục vụ người bệnh 24/24 giờ trong mùa Đông lạnh giá. Còn tại BV đa khoa Xanh Pôn, ngoài hệ thống điều hòa, chăn ấm, các phòng bệnh cũng được trang bị thêm quạt sưởi giúp bệnh nhân tránh rét.

Đợt rét này trùng với đợt nghỉ Tết Dương lịch, cũng vì vậy, số bệnh nhân vào cấp cứu cũng tăng vọt. Tại BV Việt Đức, lượng bệnh nhân đổ về dồn dập khiến kíp trực phải làm việc rất vất vả. Bác sĩ Võ Tá Chung, một thành viên của kíp trực cấp cứu cho biết, lượng máy thở và bàn mổ cấp cứu đều hoạt động hết công suất. Ước tính, số ca tai nạn giao thông tăng tới 150% với nhiều ca bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương và chấn thương sọ não, tiên lượng xấu.

Ngày nghỉ lễ đã hết nhưng những ngày giá rét của Hà Nội dự báo vẫn tiếp diễn, cuộc sống mưu sinh của người lao động vẫn phải tiếp tục. Mỗi người một công việc, một số phận tạo nên những “mảng màu” thắp sáng cho đêm Đông Hà Nội. Bên trong bệnh viện, bệnh nhân và người nhà người bệnh vẫn đối mặt với muôn vàn nỗi lo...

Hà Nội đón 2 - 3 đợt rét hại trong tháng 1

Theo Bản tin số 01/DBKTTV của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong tháng 1/2019, TP Hà Nội sẽ chịu tác động của 3 - 4 đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, dự kiến ảnh hưởng vào khoảng các ngày 6, 11, 16 và 24/1. Trong tháng 1/2019, có khả năng xuất hiện từ 2 - 3 đợt rét đậm, rét hại; nhiệt độ trung bình trong tháng dao động từ 16,5 - 17,50C, phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm (16,5 - 17,00C).