Trường hợp bạn hỏi có liên quan tới việc bảo lãnh. Bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh. Theo đó, có thể đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập. Đây là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân và Viện Kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án Nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà phúc thẩm Toà án Nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người nói trên phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.