Đón nhận làn sóng đầu tư mới từ các nước khi Việt Nam tham gia TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước, đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, không chỉ mang lại thuận lợi, nguồn vốn này cũng có thể đem đến những rủi ro và thách thức không nhỏ do nội lực nền kinh tế còn yếu.
Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng và là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta hiện nay chỉ mới giai đoạn đầu của sự phát triển, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều yếu kém. Vì vậy, mặc dù, một mặt TPP đem vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giúp công nghiệp phụ trợ phát triển, nhưng đây cũng là đối thủ lớn khiến cho các công ty nội địa nếu không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại sẽ khó tồn tại.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, hơn 90% linh kiện, phục tùng phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp như điện tử, ô tô và nhiều ngành nghề khác là do các công ty nước ngoài tự cung ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu không kiểm soát tốt, sẽ có nhiều các dự án có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày… tràn vào Việt Nam sau TPP.
TS. Thành nhận định, Việt Nam đang dần trở thành bãi rác công nghệ nếu không có sự thay đổi, bởi 80% công nghệ của khu vực FDI về Việt Nam là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. FDI chủ yếu đầu tư vào Việt Nam để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ, vì thế Việt Nam phải chấp nhận nếu vẫn muốn dựa vào FDI để tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ này, vấn đề quan trọng nhất là phải cải cách trong nước để đủ lớn, trong đó, khu vực tư nhân là khu vực cần phải có tái trúc, cải cách mạnh mẽ.
Thách thức có thể thấy rõ rệt hơn đối với các doanh nghiệp trong nước trước dòng vốn đầu tư nước ngoài là áp lực đang đè nặng lên như chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối bán lẻ hay khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi với qui mô sản xuất nhỏ lẻ, yếu kém về công nghệ sẽ là ngành sẽ chịu nhiều tổn thương trước TPP. Hay ngành phân phối bán lẻ cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn khi các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài không ngừng mở rộng tại Việt Nam.
Bà Hồ Đức Minh, Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, các doanh nghiệp phân phối nước ngoài họ đầu tư ngày càng nhiều các cửa hàng tiện lợi, đại siêu thị, có những sản phẩm Việt Nam có mặt ở trong các kênh này nhưng số lượng vẫn còn rất ít. Điều này cho thấy họ rất tự tin là sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam cho nên họ mạnh dạn đưa vào thị trường, trong khi đó, những sản phẩm nào họ không có thì mới sử dụng sản phẩm của chúng ta. Tới đây, mức độ cạnh tranh chắc chắn khốc liệt hơn rất nhiều.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, điều đáng lo ngại là với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng lên của Việt Nam, cộng với tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán cho thấy Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại.
Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương.
Bà Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Hiện chúng ta đang thực hiện rất quyết liệt việc cải thiện môi trường kinh doanh và tôi nghĩ đây là một điểm chúng ta cần quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc giảm giờ thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà cần phải đi sâu hơn nữa vào các điểm mà chúng ta bị đánh giá thấp, ví dụ như về cơ sở hạ tầng, thể chế, hay tham nhũng…”
Ngoài ra, bà Thu cho rằng, hiện các doanh nghiệp chuẩn bị cho hội nhập tương đối kém nên bản thân các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được nhận định sẽ có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các chuyên gia khuyến cáo, với bài học từ WTO, cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ để tận dụng được những cơ hội mà TPP mang lại.
Việc thực hiện theo các cam kết trong TPP đòi hỏi những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước. Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ pháp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh; đồng thời, cần có những chính sách hợp lý khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, cần tận dụng cơ hội này để thực hiện quyền lựa chọn dự án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Đa số các trang trại sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết. (Ảnh minh họa: Internet)
|