Những sản phẩm du lịch mới này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của du lịch Hà Nội, mà còn giúp ngành kinh tế xanh đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2016. Đó là, đón 22 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó, khách quốc tế lần đầu vượt mốc 4 triệu lượt. Chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch năm 2017, đã có gần 207 ngàn lượt khách đến Thủ đô, trong đó có hơn 53 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, 7 sản phẩm mới, ấn tượng của du lịch Thủ đô ra mắt năm 2016 gồm:
1. Chương trình “Ký ức Hà Nội”
Đầu năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Công ty cổ phần truyền thông DC và các đơn vị có liên quan tổ chức thành công chương trình “Ký ức Hà Nội” nhân dịp Chào Xuân mới 2016. Sự thu hút khoảng 12 vạn lượt khách trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có khoảng 5000 khách du lịch quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình “Ký ức Hà Nội”, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức đón vị khách du lịch mang quốc tịch Pháp là vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến xông đất Thủ đô Hà Nội năm 2016.
2. Tour “Cảm xúc Hà Nội”
Năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội cùng Công ty Lữ hành Hanoitourist cùng Việt Nam Airlines và các DN lữ hành, lưu trú hàng đầu Hà Nội bắt tay xây dựng và “trình làng” tour “Cảm xúc Hà Nội”.
Việc khảo sát, xây dựng và các hoạt động xúc tiến, quảng bá được khởi động từ 25/2 - 30/4, dự kiến bán tour từ tháng 5 - 10, “Cảm xúc Hà Nội” khai thác các giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo của Hà Nội. Đó là: Cảnh quan thiên nhiên đặc trưng; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, nghệ thuật; các ngôi nhà cổ, phố cổ, làng cổ, làng nghề thủ công truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, các món ăn thể hiện tinh hoa ẩm thực Hà thành.
Dù định hình Hà Nội là điểm nhấn chiếm phần lớn chương trình, song “Cảm xúc Hà Nội” kết hợp thêm những địa danh nổi tiếng của miền Bắc để có sự đa dạng và mang tính cạnh tranh. Tham gia tour này, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm gần hơn với những giá trị vật thể và phi vật thể tinh tế của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Cùng với đó là khám phá những địa danh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của dân tộc từ lâu đã trở thành thương hiệu của ngành du lịch nước nhà.
Tour “Cảm xúc Hà Nội” được xem là “cú hích” cho việc chuyên nghiệp hóa các sản phẩm đặc thù nói riêng, ngành du lịch Thủ đô nói chung.
3. Phố đi bộ quanh Hồ Gươm
Từ ngày 1/9, UBND TP Hà Nội chính thức thí điểm mở rộng không gian đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm.
Từ đó tới nay, trung bình, có khoảng 18 -25 ngàn người/ngày đến phố đi bộ. Hoạt động của phố đi bộ tác động rõ đến du lịch quận Hoàn Kiếm với khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.
4. Phố chơi đêm
Từ ngày 1/9, UBND TP Hà Nội thí điểm lùi “giờ giới nghiêm” đến 2 giờ sáng hôm sau, giúp du khách quốc tế có thêm thời gian khám phá, trải nghiệm Hà Nội. Đây được coi là bước “đột phá” trong cách thức quản lý du lịch của Hà Nội.
Bởi theo nhận định của giới chuyên môn, TP đã bước đầu chủ động, thay đổi tư duy, phương thức quản lý khi tạo điều kiện tối đa cho du lịch phát triển, không còn thấy khó quản lý thì “né” như trước đây.
5. Động thổ dự án Công viên Kim Quy đẳng cấp quốc tế bằng nguồn vốn xã hội hóa
Ngày 2/9/2016, UBND TP Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) tổ chức Lễ động thổ Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (Công viên Kim Quy) tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Đây là lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, Công viên Kim Quy trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc ngàn đời của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu.
6. Không gian Áo dài ViệtVới chủ đề "Tinh hoa áo dài Việt Nam", Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 được tổ chức từ ngày 14 - 16/10/2016 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, sự kiện còn là dịp để các DN thời trang, du lịch của Hà Nội giao lưu, giới thiệu, hợp tác, ký kết phát triển sản phẩm du lịch, thời trang và nhiều lĩnh vực khác với các DN trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ hội để du khách tham quan, trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Festival Áo dài Hà Nội năm 2016. Sự kiện thu hút hơn 30.000 lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan.
Đặc biệt, đây là lần đầu Hà Nội khai thác áo dài như một sản phẩm du lịch, tiến tới xây dựng Hà Nội thành trung tâm thời trang. Hậu Festival Áo dài Hà Nội 2016, giữa tháng 12, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công nhận Lan Hương Fashion house (số 18 phố Âu Cơ, quận Tây Hồ) đạt tiêu chuẩn điểm đến du lịch áo dài đầu tiên trên địa bàn với tên gọi “Không gian Áo dài Việt”.
7. Tour đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí
Tour khám phá Phố cổ miễn phí do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Công ty CP Du lịch Việt Nam – Hà Nội (Vietnamtourism Hanoi) ra mắt hồi tháng 10 cùng với sự kiện khai trương Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch đã thực sự trở thành gam màu đặc sắc trong bức tranh du lịch Thủ đô.
Sau 3 tháng thử nghiệm, Ban Tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ du khách. Tuần đầu tiên triển khai chỉ có khoảng trên 100 khách đặt tour, nhưng đến nay, trung bình mỗi tuần có khoảng 200 - 300 lượt khách. Tour này được thực hiện từ thứ Tư đến Chủ nhật, nhưng dịp cuối tuần có thể lên tới hơn 10 tour.
Du khách chỉ cần đăng ký tại Trung tâm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch (số 28 Hàng Dầu) sẽ được phục vụ ngay. Nhiều du khách nước ngoài theo kiểu du lịch “bụi” rất thích tour này. Dịp này đúng mùa cao điểm của khách quốc tế nên dự kiến trong thời gian tới, lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa.
|