Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vấn đề về bồi thường thiệt hại do cây trồng ở đường quốc lộ gây ra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc cây cối trồng ở đường quốc lộ (QL) đổ, gẫy gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng con người, đặc biệt là ở 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – nơi có nhiều tuyến đường lớn, giao thông dày đặc.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là việc giải quyết bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra còn nhiều bất cập, tranh cãi. Các cơ quan không trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm khiến những người bị thiệt hại chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Thực trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chủ yếu là từ lỗ hổng của Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành. 
Cây xanh đổ đè lên ô tô của người dân trên đường Huỳnh Thúc Kháng trong mùa mưa bão 2014. Ảnh: Chiến Công
Cây xanh đổ đè lên ô tô của người dân trên đường Huỳnh Thúc Kháng trong mùa mưa bão 2014. Ảnh: Chiến Công
Theo quy định tại Điều 626 BLDS năm 2005: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Theo quy định này, chủ thể phải bồi thường đối với những cây cối trồng ở đường là trách nhiệm của Nhà nước. Bởi Nhà nước là chủ sở hữu cây trồng trên đường. Tuy nhiên, việc quy trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước là không hợp lý. Bởi những cây xanh trên địa bàn TP đều được giao cho các công ty đô thị quản lý, nên hợp lý hơn là chính những công ty này phải có trách nhiệm.

BLDS đang được tiến hành sửa đổi và được nhiều người kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề bồi thường thiệt hại do cây trồng ở đường QL gây thiệt hại một cách thỏa đáng. Theo quy định tại Điều 627 Dự thảo BLDS sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo): “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 388 của Bộ luật này”. So với BLDS năm 2005, Dự thảo đã có 2 tiến bộ rất đáng mừng.

Về chủ thể bồi thường, Điều 627 Dự thảo đã khắc phục được bất cập của quy định hiện hành khi bổ sung thêm người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường bên cạnh chủ sở hữu cây cối. Việc bổ sung chủ thể là hoàn toàn hợp lý bởi người đang chiếm hữu, quản lý là người trực tiếp chăm sóc cây cối và buộc phải biết tình trạng của cây cối để kịp thời phát, tỉa cành hay chặt bỏ cây mục ruỗng nhằm tránh nguy cơ cây cối đổ, gẫy gây ra thiệt hại nên họ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để cây cối gây ra thiệt hại. Rõ ràng, sự quy định như trong Dự thảo tạo điều kiện giải quyết bồi thường thiệt hại do cây cối trồng ở đường QL gây ra một cách thuận tiện, hợp lý và chính xác. Chính những công ty được giao chiếm hữu, quản lý cây cối sẽ phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hay do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại.

Điều 626 BLDS năm 2005 quy định trường hợp cây cối đổ, gẫy gây ra thiệt hại mà không quy định các trường hợp khác như trái cây rụng, tàu dừa, tàu cau vua rơi làm hư hỏng tài sản, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác hay rễ cây đâm sang tường nhà bất động sản liền kề làm hỏng tường. Với phương pháp liệt kê, Điều 626 BLDS năm 2005 không bao quát được hết các trường hợp cây cối gây thiệt hại. Theo cách thức quy định khác, Điều 627 Dự thảo không liệt kê các trường hợp cây cối gây thiệt hại mà chỉ quy định mang tính chất khái quát “cây cối gây thiệt hại”.

Bên cạnh những điểm đổi mới rất thiết thực đáng được ghi nhận, tác giả cũng còn điều băn khoăn liên quan đến mùi hương hay phấn hoa của cây cối gây ra thiệt hại. Những minh chứng thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, mùi hương và phấn hoa là nguyên nhân gây ra không ít thiệt hại về sức khỏe cho con người, như theo lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam) nói về hoa sữa: “Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn”. Theo ý kiến tác giả, mùi hương, phấn hoa gây ra thiệt hại không thể áp dụng như trường hợp cây cối đổ, gẫy, rơi, rụng... gây ra thiệt hại. Vì chủ sở hữu, người chiếm hữu có thể loại bỏ nguy cơ gây thiệt hại đối với cây cối đổ, gẫy bằng cách chặt cây, cành, xén tỉa... Nhưng đối với trường hợp mùi hương của cây cối gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu khó có thể kiểm soát được. Bởi vậy, tác giả kiến nghị, trong thời gian tới, Ban soạn thảo Dự thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.