Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những vết thương của cụ Rùa ngày càng nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những vết thương trên mai cụ Rùa đã lan rộng với tình trạng ngày càng nặng nề. Trong khi đó, phải mất vài ngày nữa phương án điều trị cho cụ mới được lựa chọn và thông qua.

KTĐT - Những vết thương trên mai cụ Rùa đã lan rộng với tình trạng ngày càng nặng nề. Trong khi đó, phải mất vài ngày nữa phương án điều trị cho cụ mới được lựa chọn và thông qua.

Liên tục trong thời gian gần đây, cụ Rùa Hoàn Kiếm nổi lên với những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ.

Nhà báo Hà Hồng (Báo Nhân dân) cho biết, lần cụ nổi gần đây nhất vào 9h20 ngày 22/2, tại khu vực quanh hai đường thoát nước thải từ đền Ngọc Sơn ra đoạn đường đôi Đinh Tiên Hoàng, gần mép bờ hồ chừng một mét. Có lúc cụ ghé sát miệng ngậm đường ống nước.

“Khoảng gần một tiếng quan sát cụ nổi. tôi thấy cũng như các lần trước, cụ chui qua, chui lại hai đường ống nước, phần mai của tì sát đường ống. Do cụ Rùa nổi rất gần nên có thể dễ dàng quan sát thấy, những vết thương trên mai cụ đã ngày càng nghiêm trọng so với những ngày trước đó. Vết mốc trắng dọc trên sống lưng nhìn ngày càng đậm nét. Hơn thế vết thương ở phần đầu mai phải nay đã lan sang cả bên trái với hình dạng bợt bạt, nham nhở. Cùng với những tư liệu liên tục ghi chép trong thời gian dài về cụ Rùa, tôi khẳng định tình trạng vết thương trên mai cụ Rùa ngày càng nặng”- ông Hồng nói.
 
Theo ghi chép của PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Hoàn Kiếm, liên tục trong 18 ngày từ đầu tháng 2 đến nay, cụ Rùa đã nổi tới 28 lần, có lúc kéo dài rất lâu. Ông Đức cũng khẳng định đó là những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe và các vết thương trên mình cụ Rùa. Theo đánh giá ban đầu của chuyên gia thuỷ sản, cùng với những vết thương nghiêm trọng bề ngoài, cụ Rùa còn có thể đang mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn.
 
Bà Phan Thị Vân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản nhận định, các vết mốc trắng dọc trên sống lưng cụ Rùa có thể do các vết tổn thương lâu ngày đã đóng vảy và trở thành mãn tính. Dù vậy, không loại trừ khả năng đó là dấu hiệu của các loại nấm gây hại ở dọc vết thương trắng trên sống lưng cụ…

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm, bà Vân cũng đã trình bày 2 phương án điều trị vết thương cho cụ Rùa.

Một là cụ Rùa vẫn tiếp tục sinh sống dưới hồ và các nhà khoa học sẽ tiến hành xử lý nước hồ Gươm để nâng cao chất lượng môi trường sống của cụ bằng cách cấp thêm nước vào hồ, đồng thời sử dụng chất khử trùng công nghệ mới nhằm tiêu diệt các mầm bệnh trong nước hồ.

Cách thứ hai là đưa cụ lên bờ để tiến hành chữa trị vết thương, bằng cách chẩn đoán, xét nghiệm rồi tìm ra chủng thuốc, đồng thời tính toán liều lượng thích hợp. Để tránh rủi ro đáng tiếc khi dùng thuốc cần tiến hành thử nghiệm trên loài tương đối gần với cụ Rùa Hoàn Kiếm. Cùng đó vẫn phải nhanh chóng làm sạch môi trường hồ theo biện pháp của phương án một.

Ông Hà Đình Đức đưa ra ý kiến, nơi phù hợp để tiến hành cứu chữa cụ rùa nhất chính là khu vực chân Tháp Rùa.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao, đến 25/2 mới có thể  thông qua phương án cuối về biện pháp chữa thương cho cụ Rùa. Trước mắt, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, hạn chế sự phá hoại, gây ô nhiễm hồ.