Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn đánh giá, 5 năm qua, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, đầu tư công ở nhiều địa phương, công trình lãng phí lớn do chuẩn bị chưa kỹ càng, tính toán hiệu quả nhiều thiếu sót, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian đưa vào sử dụng…
Cụ thể hơn, thời điểm 2001 nợ công mới 36,5%, năm 2005: 40,8%, năm 2010: 50%, năm 2015 lên 62,2% GDP.
Về quy mô, năm 2015 nợ công khoảng 2,608 triệu tỷ đồng gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011 - 2015 bằng 18,4%/năm, cao gấp ba lần tăng trưởng kinh tế, (tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là 5,91%).
Nợ công để đảo nợ cũng tăng liên tục. Năm 2013 đảo nợ 47.000 tỷ đồng, năm 2014 là 106.000 tỷ đồng, năm 2015: 125.000 tỷ đồng và năm nay 2016 đến tháng 6 là 95.000 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra về tài chính giai đoạn 5 năm qua của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, với mức bội chi ước tính năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, thì dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1%GDP, đã vượt ngưỡng 50% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Đặc biệt, cần chú ý đến chỉ số rất quan trọng, là một trong những thước đo để đánh giá mức độ an toàn nợ công là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước khi chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh, từ mức 21,7% năm 2013 lên mức 28,2% năm 2014 và 29,2% năm 2015.
Nợ công tăng nhanh và sắp vượt ngưỡng an toàn, trong khi đó việc chống tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả, tình trạng nhiều công trình nghìn tỷ đắp chiếu khá phổ biến, hàng loạt công trình điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu; có dự án điều chỉnh tăng gấp đôi vốn đầu tư dự kiến.
Bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, bình quân 5 năm khoảng 5,76% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (4,5% GDP vào năm 2015 bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) thậm chí tăng trưởng thấp nhưng mức bội chi ngân sách vẫn tăng.
Do thâm hụt từ nhiều phía, chi đầu tư phát triển giảm mạnh, tỷ trọng bình quân bố trí dự toán chi đầu tư phát triển trong giai đoạn này chiếm khoảng 18,2% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn so với giai đoạn 2006 - 2010 (bình quân 24,4%).
Qua nghị sự của Quốc hội, vấn đề nợ công đã rõ ràng, trong một thời gian dài, chúng ta tăng trưởng dựa vào đồng vốn, vào bóc lột tài nguyên thiên nhiên và lao động. Sự tăng trưởng dựa vào nợ công đó không thể bền vững. Việc sử dụng và quản lý nợ công lỏng lẻo, tiêu pha công dễ dãi, nhiều công trình lãng phí, biên chế cồng kềnh, tham nhũng tràn lan…
Để tránh gánh nặng nợ công, sa vào nợ nần, thậm chí vỡ nợ, cần có cái nhìn xác thực là nợ công đã chạm ngưỡng, khả năng không trả được nợ là hiện thực trước mắt, để kiên quyết hơn trong xử lý. Cần kết hợp giải quyết vấn đề nợ công trong tổng thể các mặt công tác cải cách hành chính, xây dựng Đảng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, tinh giản thủ tục và bộ máy hành chính, bảo đảm các cơ quan công quyền đều là những người có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và năng lực nghiệp vụ cao. Tiêu pha công cần cân nhắc, dè xẻn, tránh lãng phí. Cần chống tham nhũng triệt để để tiết kiệm chi tiêu công. Trong công tác thu hút vốn nước ngoài, kể cả vốn ODA cần thận trọng, tính toán kỹ, tránh tăng nợ công mà hiệu quả không cao.