Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm tin đánh mất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hồi đầu tiên trong vở kịch khủng hoảng nợ công tại Cộng hòa Síp đã hạ màn với kết cục một khu vực offshore - từng là thiên đường tiền gửi của châu Âu sẽ biến mất trên bản đồ tài chính thế giới, đồng thời làm suy giảm uy tín của hệ thống ngân hàng vốn đã có quá nhiều bê bối của lục địa già.

Cách đây 5 năm, sự có mặt của Síp trong cộng đồng sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã được tung hô như một minh chứng rõ ràng nhất về sự thành công của một đảo quốc nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải.

Với diện tích hơn 9.200km2, Chính phủ Síp đã quyết tâm loại bỏ những rào cản về thuế, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài gửi tiền. Kết quả là hệ thống ngân hàng nước này nắm giữ số tiền gửi lên đến 70 - 80 tỷ Euro, gấp 4 lần GDP và Síp dần nổi lên trở thành một đích đến hấp dẫn của các luồng tiền từ khắp nơi trên thế giới.
 
 
Niềm tin đánh mất - Ảnh 1
 
Thủ tướng D.Medvedev cho rằng, đã đến lúc nên suy nghĩ về phương án thành lập khu vực offshore ở vùng Viễn Đông.

Sự yếu kém trong cách quản lý cũng như nhận diện cơ hội, triển vọng đã khiến các ngân hàng Síp "lầm đường lạc lối" khi bạo tay chi tiền mua hàng chục triệu Euro trái phiếu Chính phủ Hy Lạp.

Quyết định tái cơ cấu nợ một phần của Athens đã khiến Nicosia mất trắng khoảng 4,5 tỷ Euro, sự sụt giảm của ngành du lịch, vốn chiếm tới 70% GDP cũng đẩy quốc gia này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

 Từ giữa năm ngoái, khi những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh nợ công xuất hiện tại Síp, Nga đã đánh tiếng sẽ hỗ trợ và cứu đảo quốc này thoát khỏi tình cảnh khan tiền. Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa Nga - Eurozone đã cản trở tiến trình giải cứu lại và đẩy quốc đảo này vào cảnh khốn khó.

Điều đáng nói là, khi mọi việc trở nên quá muộn, quyết định tái cấu trúc ngân hàng Síp khiến những người gửi các khoản tiền lớn sẽ mất từ 35 - 60% đã tạo ra tiền lệ xấu. Năm ngoái, khi Hy Lạp rơi vào tình trạng hoảng loạn, người ta vẫn không rút tiền từ ngân hàng vì mọi người tin tưởng rằng, tiền gửi nằm trong nhà băng được giữ an toàn tuyệt đối, không ai có thể tịch thu.

Nhờ vậy, hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đứng vững được. Trong khi đó, việc tịch thu một phần lớn tiền gửi ngân hàng tại Síp đã tạo tiền lệ xấu khi dòng tiền sẽ không chỉ chạy khỏi đảo quốc này mà còn tất cả các nền kinh tế đau khổ của lục địa già do không ai biết nước nào sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Trên thực tế, nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế và thu hút dòng tiền từ Síp về nước, Thủ tướng Nga D.Medvedev cho rằng, đã đến lúc Moscow nên suy nghĩ về phương án thành lập khu vực offshore ở vùng Viễn Đông.

Dù kịch bản nợ công tại Síp diễn biến ra sao, hệ thống ngân hàng của nước này vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng chắc chắn sẽ mất vai trò của một trong những ngành kinh doanh phát đạt nhất và Nicosia sẽ mất một thời gian dài để khôi phục niềm tin của người dân cũng như khách hàng gửi tiền trên toàn cầu.

 
Các khu offshore đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ XX theo sáng kiến của một loạt các quốc gia nhỏ. Dựa vào những điểm tích trữ và trung chuyển trong việc dịch chuyển vốn trên toàn cầu, Chính phủ các nước này ganh đua đến mức tối đa trong việc cung cấp những ưu đãi về thuế, đơn giản hoá thủ tục trong báo cáo tài chính và giữ bí mật về thành phần cổ đông của các công ty offshore.