Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm tin và động lực

TS Hoàng Xuân Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế tư nhân là thành quả to lớn, nổi bật của công cuộc đổi mới 30 năm qua. Nó góp phần đưa Việt Nam từ quốc gia thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình và ngày nay đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH, hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế thị trường bậc cao - kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khẳng định vai trò kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang ngày càng bộ lộ các hạn chế và rào cản cần tháo gỡ. Thứ nhất, kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển về số lượng nhưng vẫn chưa thể lớn mạnh về mặt chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh khi kinh tế hộ gia đình sản xuất nhỏ và phi chính thức còn chiếm đa số. Tổ chức kinh doanh nhỏ phi chính thức có các điểm yếu như: Tích lũy từ nội bộ không lớn và phải dựa nhiều vào tín dụng phi ngân hàng rủi ro cao; kinh doanh nhỏ thường bỏ qua các quy định về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường; bị hạn chế nhiều về không gian, loại hình, đối tượng khách hàng và không có nhiều dư địa để tiếp cận thị trường, không có cơ hội để tham gia ổn định vào các chuỗi sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại hội nghị ”Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ảnh: Thống Nhất

Thứ hai, các hạn chế trên của kinh tế tư nhân có nguyên nhân nội tại do ra đời và phát triển chưa lâu, kinh nghiệm và quy mô tích lũy chưa nhiều; nhưng còn có nguyên nhân khách quan rất quan trọng, đó là môi trường thể chế và môi trường kinh doanh chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập đã gây khó khăn cho DN trong cạnh tranh thị trường và tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, các nguồn lực khác… Trên thực tế, DN tư nhân vẫn chưa được đối xử bình đẳng, còn nhiều các quy định quản lý và điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN, quyền tự do kinh doanh vẫn bị giới hạn, còn quá nhiều các thủ tục hành chính phiền hà, nhiều cuộc thanh kiểm tra nhũng nhiễu, khiến DN đang phải gánh chịu nhiều khoản chi phí chính thức và không thức quá lớn. Nhà nước chưa thực hiện đúng và tốt chức năng vai trò kiến tạo thể chế và hỗ trợ tích cực cho DN, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Thứ ba, ngoài ra, nguyên nhân sâu xa còn ở những hạn chế ở tầm tư duy, nhận thức lý luận và hoạch định chính sách… Thực chất chúng ta vẫn “né tránh” hoặc là chưa đạt “đồng thuận” cao trong nhận thức về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tư nhân. Từ đó gây khó khăn cho thiết kế, hoạch định chính sách và nhất là việc quán triệt, thực thi chính sách vào cuộc sống.

Giai đoạn mới cần tầm nhìn xa, rộng

Trong giai đoạn bước ngoặt, bản lề của phát triển hiện nay của Việt nam cần phải có quyết tâm, nỗ lực đổi mới sâu sắc về tư duy, tầm nhìn và thể chế kinh tế cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nêu một số giải pháp và định hướng, thứ nhất, ở tầm tư duy lý luận và chính sách, cần nhận thức sâu sắc rằng kinh tế tư nhân không chỉ là bộ phận cấu thành hữu cơ, mà chính nó tạo nên tính chỉnh thể và quyết định hệ kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường, cả trong truyền thống và hiện đại, không phải cái gì khác hơn là “biển cả kinh tế tư nhân”. Kinh tế tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân, sở hữu tư nhân cùng với kinh tế tư nhân là cơ sở nền tảng của thị trường cạnh tranh, người cung cấp các hàng hóa - dịch vụ cơ bản và thiết yếu cho xã hội. Một nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập tốt phải dựa trên nền tảng khu vực tư nhân lớn mạnh và có tính cạnh tranh cao, không thể nào khác được hay lập lờ nước đôi kiểu “mèo trắng hay mèo đen miễn là bắt được chuột”.
Thứ hai, cùng với đó, các vấn đề như DNNN và sở hữu Nhà nước, đảng viên làm kinh tế tư nhân, vấn đề bóc lột và phân hóa giàu nghèo… cũng cần được xem xét khách quan, khoa học mà không nên định kiến và né tránh. Trước đây, do những hạn chế về lý luận và nắm bắt thực tiễn, với tư duy đơn giản và có phần giáo điều, chúng ta nghĩ rằng cứ xóa bỏ tư hữu, tư doanh là loại bỏ được bóc lột; xây dựng nền kinh tế chỉ có thành phần quốc doanh và tập thể là không có bóc lột và như vậy sẽ nhanh chóng có CNXH. Rốt cuộc, nền kinh tế tăng trưởng chậm dần và lâm vào khủng hoảng. Thực tế các năm đổi mới ở nước ta đã hình thành các công ty, DN thuộc các thành phần kinh tế, trong hoạt động vẫn có hợp tác, liên kết, gia công - thuê mướn lẫn nhau. Hoặc là hình thức tổ chức hợp tác liên kết hiện đại điển hình theo các mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị quốc tế, trong đó mỗi quốc gia và DN sẽ được chia sẻ lợi ích tùy thuộc vào vị thế và giá trị mà nó tạo ra trong chuỗi.
Sản xuất tôn tấm lợp tại Công ty CP Tân Phong, khu công nghiệp Lai Xá. Ảnh:  Nguyễn Đức
Thứ ba, quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ, đồng hành cùng DN, nâng cao năng lực và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ công chức và bộ máy. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, có kết quả các Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập DN; Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về Hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020… Phấn đấu xây dựng môi trường thể chế Việt Nam minh bạch, hội nhập với thông lệ quốc tế, đạt mức của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4. Các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát cắt giảm mạnh hơn nữa trong số 6 ngành nghề, 250 lĩnh vực hoạt động và hàng ngàn điều kiện quy định bắt buộc về kinh doanh hiện nay, để thuận lợi hóa và giảm chi phí cho DN hoạt động.

Thứ tư, phấn đấu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tích cực xây dựng các thể chế thị trường đặc thù, hoàn thiện sớm các thể chế thị trường bậc cao (như thị trường bất động sản, tài chính, khoa học công nghệ, hàng hóa - dịch vụ cao…) nhằm khai thông các nguồn lực, phân bổ nguồn lực theo thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN và nhà đầu tư. Tạo làn sóng khởi nghiệp và chấn hưng DN, phát triển đội ngũ doanh nhân, khuyến khích các DNNVV và DN siêu nhỏ để tạo công ăn việc làm phổ biến. Một mặt, tạo thuận lợi để các cơ sở hộ tư nhân dễ dàng chuyển sang hình thức DN và kinh doanh chính quy; Mặt khác, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ra đời của những tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng làm chủ đạo các mạng sản xuất và vươn lên tầm cạnh tranh quốc tế, đây thực sự là những đầu tầu hội nhập, quyết định vị thế Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.

Kỷ niệm ngày Quốc khánh lịch sử 2/9, thêm một lần chúng ta cần khẳng định quyết tâm, bản lĩnh và trí tuệ phi thường của 90 triệu dân Việt Nam để khai phá con đường phát triển độc lập, sáng tạo, bền vững trong thời đại toàn cầu hóa.

Hiện cả nước có khoảng 650 - 700.000 DN đang hoạt động, chủ yếu là DN tư nhân vừa và nhỏ. Kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và tham gia xuất khẩu. Các DN tư nhân trong nước đã không ngừng lớn mạnh, một số cơ sở đã trở thành những DN, tập đoàn lớn với những sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường như: Vingroup, ôtô Trường Hải, Hòa Phát, FPT, Vinamilk, Ngân hàng TMCP Sài Gòn… Đến nay kinh tế tư nhân đã chiếm 40 - 45% GDP và 65 - 70% tổng số việc làm xã hội, được xác định là “động lực quan trọng của nền kinh tế”.