KTĐT - Tại chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội), một chiếc váy chất liệu tơ sống được chủ cửa hàng báo giá 550.000 đồng, nhưng khéo mặc cả khách có thể mua với giá chỉ 150.000 đồng.
Đánh vào tâm lý "tiền nào của nấy" của một bộ phận người tiêu dùng thích thú và an tâm khi sử dụng hàng đắt tiền, nhiều chủ cửa hàng thường dùng mẹo niêm yết giá cao hơn nhiều so với chi phí thực để "câu khách".
Tại chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội), một chiếc váy chất liệu tơ sống được chủ cửa hàng báo giá 550.000 đồng, nhưng khéo mặc cả khách có thể mua với giá chỉ 150.000 đồng. Giải thích về điều này, chủ kiot đáp: “Có người thích mua hàng rẻ, người thích mua hàng đắt. Cứ để giá vậy, ai biết giá trị thực, tự khắc họ sẽ mặc cả”.
Theo chị, ngay cả với các chợ, nơi thường chỉ dành cho shopping bình dân, cũng có không ít người thích mua hàng đắt tiền. Chị chia sẻ: "Trước đó, nhiều người vào hỏi, mình nói đúng giá, họ kêu sao giá rẻ thế, chắc lại hàng lỗi, hàng Trung Quốc, hàng chợ.... Từ đó, rút kinh nghiệm, chiếc nào mình cũng thách giá gấp đôi, gấp ba. Từ dạo đó, số lượng bán lại chạy hơn".
Chị Hoa, chủ một cửa hàng thời trang kèm đồ mỹ phẩm còn kiên quyết không bán mặc cả dù mức giá đưa ra gấp tới 4 lần chi phí nhập vào. Chỉ tay vào chai nước hoa Channel, chị bật mí, hàng fake, sản xuất tại Trung Quốc, giá nhập chưa tới 100.000 đồng nhưng giá bán không dưới 450.000 đồng. Chị cho hay, nói giá là bán chứ không cò kè, bớt một vài đồng, bằng không khách sẽ cho là hàng kém chất lượng.
Chị giải thích thêm, nếu chỉ lấy lãi 50.000 đồng, người mua sẽ biết ngay hàng nhái hạng 2, hạng 3, và đương nhiên không mua. Còn niêm yết giá cao, vừa lãi lớn, vừa bán chạy hơn.
“Cũng phải tùy đối tượng khách của từng mặt hàng. Như những người mua dùng hay tặng nước hoa đều có chút khá giả, mình bán giá ‘bèo’, người ta cũng không yên tâm để dùng hay đem tặng, sợ dị ứng này nọ nữa”, chị Hoa nói.
Không chỉ riêng shop mỹ phẩm mà nhiều cửa hàng, thậm chí quán ăn cũng áp dụng chiêu thức này để câu khách, giúp khách cảm thấy yên tâm rằng đồ ăn sạch, tươi ngon.
Tuy nhiên, các chủ cửa hàng cho hay, mức giá bị đẩy lên cũng phải phù hợp với sản phẩm và ngưỡng chi tiêu của khách hàng mục tiêu.
“Chắc chắn không ai vào shop thường để mua hàng Channel cả, người mua cũng thừa hiểu đây chỉ là hàng fake nên đưa ra giá cùng lắm cũng chỉ vài trăm nghìn để khách khỏi nghĩ hàng rởm quá thôi, chứ 'hét' đến tiền triệu thì không thể bán được”, chị Hoa mách nước.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân khiến nhiều chủ cửa hàng làm như vậy còn bởi tâm lý tiêu dùng của một bộ phận khách hàng. Bị gia đình chê là mua chiếc thắt lưng da chẳng của thương hiệu nào mà giá cũng gần một triệu đồng, anh Nam (Hoàng Cầu) khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng tiền nào thì của nấy. Nam chia sẻ, trong quan niệm của anh, những đồ có giá thành cao thì đương nhiên chất lượng sẽ tốt hơn.
Thậm chí, không ít người chuộng đồ đắt đến mức vui vẻ bỏ nhiều tiền cho một sản phẩm trong khi biết rõ là không đáng giá đến vậy. Anh Hà, trợ lý tổng giám đốc của một ngân hàng lớn ở Hà Nội tâm sự: "Nhiều khi chuẩn bị phòng ốc, bàn tiệc cho mấy sếp lớn, biết bị chặt chém mà vẫn phải 'dẫn xác' vào những nhà hàng lớn để bảo toàn hai chữ - thể diện”
Anh Thắng (Cầu Giấy) một chủ buôn sim chia sẻ, cách đây hơn một năm, anh rao chiếc có đuôi 8668 trên mạng giá 2,5 triệu đồng nhưng mãi chẳng có khách. Thậm chí có người bảo sim rất đẹp, định mua tặng sếp nhưng giá đó mà biếu sếp thì không xứng tầm, vì nhỡ sếp coi được giá thực trên Internet thì xấu mặt.