Đã bốn thế hệ qua, gia đình anh Nguyễn Khắc Trào ở xóm 8, xã Ninh Hiệp, gắn bó với nghề chế biến, kinh doanh dược liệu (thuốc Nam, thuốc Bắc). Dù vẫn còn diện tích đất canh tác nông nghiệp, tuy nhiên, vợ chồng anh Trào thường bỏ không, hoặc cho người khác thuê mướn. Sở dĩ vậy là bởi thu nhập từ nghề dược liệu cao hơn gấp hàng chục lần so với làm nông, lại ít vất vả hơn.
Xóm 8 được xem là thủ phủ của nghề chế biến, kinh doanh dược liệu tại xã Ninh Hiệp. Hàng ngày, xe chở nguyên liệu đến, rồi xe chuyển thành phẩm đi tiêu thụ chạy nườm nượp khắp thôn xóm. Nghề chế biến, kinh doanh dược liệu giúp mang tới thu nhập trung bình 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày, nhưng người dân xã Ninh Hiệp không chỉ trông vào đó. Từ hàng chục năm nay, xã Ninh Hiệp nổi lên và duy trì là chốn kinh doanh, buôn bán hàng may mặc sầm uất bậc nhất không chỉ ở Hà Nội mà toàn khu vực phía Bắc. Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Bá Khánh chia sẻ: Nghề may mặc thịnh vượng đến nỗi, mỗi sạp hàng ở đây có giá trị hàng tỷ đồng. Thậm chí có vị trí sạp hàng được định giá đến 300 triệu đồng/m2 - một con số có thể nói là “không tưởng” đối với một địa điểm nằm cách xa trung tâm Thủ đô tới 20 cây số. Ông Khánh cho biết thêm, bên cạnh hai ngành nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính nêu trên, đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại, xã Ninh Hiệp cũng đang từng bước chuyển đổi sang các mô hình lúa - cá (29ha), cây ăn quả (12ha), hoa cây cảnh (37ha), các trang trại VAC (131ha)… bước đầu mang lại hiệu quả.Với thu nhập bình quân của người dân lên tới 55,2 triệu đồng/năm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền đã phải sử dụng từ “hoành tráng” để nói về xã Ninh Hiệp. Thế nhưng khó khăn chưa phải đã hết với xã Ninh Hiệp. Nghề chế biến, kinh doanh dược liệu hiện chưa được quy hoạch thành cụm điểm sản xuất tập trung, mà chủ yếu vẫn theo hình thức hộ gia đình. Tình trạng phát triển rất nóng của ngành nghề kinh doanh hàng may mặc làm nảy sinh yếu tố tiềm ẩn gây nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội. Bên cạnh đó, tần suất phương tiện qua lại đông, việc dừng đỗ xe cộ tràn lan khiến đi lại của người dân đôi lúc gặp khó khăn. Ngoài ra, thu nhập cao từ hai nghề phụ khiến tỷ lệ người dân bỏ hoang đất canh tác nông nghiệp ngày một phổ biến, gây lãng phí lớn về tư liệu sản xuất. Đây là những vấn đề tiềm ẩn bất ổn mà chính quyền và Nhân dân xã Ninh Hiệp cần hết sức quan tâm, giải quyết, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững.