So với hai cú sốc từ Hy Lạp đầu và giữa tuần qua, thì hội nghị thượng đỉnh G-20 trong hai ngày 3-4/11 ở Cannes quả là một “bát canh suông” cho vấn đề nợ công châu Âu, bởi kết quả nhạt nhòe tới nỗi thị trường hầu như không có phản ứng đáng kể nào. Chưa bao giờ khu vực đồng Euro lại cận kề sự tan vỡ như những ngày đầu tuần trước. Châu Âu rơi vào tình trạng hoang mang, bất ổn định sau khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, vào tối hôm 31/10, thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ mới của Liên minh châu Âu. Sở dĩ châu Âu và các đối tác tỏ ra bất bình về động thái của Hy Lạp, là bởi phải tốn hai cuộc họp thượng đỉnh liên tiếp, kế hoạch này mới được 17 thành viên Khu vực đồng Euro, trong đó có Hy Lạp, đồng thuận thông qua. Thêm vào đó, việc Athens trưng cầu dân ý là việc hoàn toàn bất ngờ. Phần lớn các ý kiến phân tích đều cho rằng, bước đi mới của ông Papandreou là một nước cờ quá ư mạo hiểm. Bởi lẽ, với tình trạng kinh tế xã hội như hiện tại, người dân Hy Lạp chắc chắn sẽ nói “không” với gói cứu trợ mới và đẩy sự tồn tại của Khu vực đồng Euro vào hiểm cảnh. Lãnh đạo Khu vực đồng Euro Jean Claude Juncker nhận định là không loại trừ khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick ví cuộc trưng cầu dân ý như chơi xổ số. Nếu đa số dân Hy Lạp nói “không” thì tình hình sẽ hỗn loạn như một cái chợ. Còn Ilias Nikolapopoulos, chuyên gia phân tích chính trị tố cáo Thủ tướng Hy Lạp đã đưa ra một quyết định nguy hiểm đối với tương lai của đất nước. Ông nói, “điều gì sẽ xảy ra nếu người dân nói không? Cộng đồng quốc tế cắt nguồn tiền giúp đỡ và Hy Lạp sẽ phải ra khỏi khu vực đồng Euro”. Liên tiếp các ý kiến phản đối được đưa ra từ các giới chính trị, kinh tế, xã hội về nguy cơ phá sản kế hoạch cứu trợ mới, cùng sự tồn vong của khối, nhưng Thủ tướng Hy Lạp tảng lờ như không nghe thấy. Thêm vào đó, kế hoạch của ông còn được nội các Hy Lạp đồng ý ủng hộ. Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình chính trị nội bộ Hy Lạp buộc Thủ tướng Papandreou phải tổ chức trưng cầu dân ý. Ông không có một sự lựa chọn nào khác, vì phe đối lập kiên quyết từ chối mọi sự hợp tác với chính phủ để thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà châu Âu áp đặt, trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối ngày càng lan rộng trong xã hội. Do vậy, động thái trưng cầu dân ý của Chính phủ Hy Lạp vào thời điểm này mang màu sắc chính trị nhiều hơn là ý nghĩa về mặt xã hội. Bằng việc tổ chức trưng cầu dân ý và thực hiện theo kết quả được cho là "hợp lòng dân" này, uy tín của Chính phủ Hy Lạp và Thủ tướng George Papandreou chắc chắn sẽ được nâng lên cao hơn so với trước kia. Tuy nhiên, điều ông Papandreou không ngờ tới là kế hoạch trưng cầu dân ý do ông đưa ra lại là cái cớ để các đảng phái đối lập vin vào đòi ông phải từ chức ngay lập tức để bảo vệ uy tín của mình, của đảng Xã hội cầm quyền và tất nhiên là cả lợi ích của Hy Lạp trong khối đồng Euro. Quyết định ngừng giải ngân ngay lập tức các khoản chi cho Hy Lạp của châu Âu cùng loạt tuyên bố dứt khoát của chính giới Khu vực đồng Euro về việc sẵn sàng mời Hy Lạp rời khỏi khối này, đã khiến một số bộ trưởng trong nội các của ông Papandreou quyết định quay lưng lại. Và điều gì tới cũng phải tới. Hôm 3/11, Thủ tướng George Papandreou lại tuyên bố phá sản kế hoạch trưng cầu dân ý và đồng ý từ chức sau khi thành lập liên minh chính phủ với đảng bảo thủ Dân chủ mới. Mặc dù một ngày sau đó, ông Papandreou vượt qua kỳ bỏ phiếu tín nhiệm lại quốc hội, nhưng uy tín của ông đã giảm mạnh. Như vậy, nước cờ tưởng là ăn chắc của ông Papandreou lại chính là đòn giáng mạnh thêm vào uy tín của ông và đảng cầm quyền. Hiện tại, tình hình ở Hy Lạp vẫn còn rối ren và điều này sẽ còn ảnh hưởng tới triển vọng đánh giá kinh tế châu Âu và thế giới trong một thời gian nữa cho tới khi quốc gia này thực sự bình ổn trở lại, ít nhất là về chính trị. Nếu nói hai quyết định bất ngờ của ông Papandreou là hai “cú sốc”, bởi sau cả hai tuyên bố này, thị trường chứng khoán thế giới liên tiếp chao đảo, hết lên lại xuống, thì cuộc họp thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) trong hai ngày 3-4/11 lại nhạt nhẽo tới mức gần như thị trường không phản ứng gì với kết quả sau hội nghị. Kết thúc hội nghị hai ngày, các nhà lãnh đạo G-20 cam kết sẽ điều phối các chính sách kinh tế, tập trung vào nỗ lực tạo công ăn việc làm. Các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc và Đức, khẳng định sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng cam kết sẽ đảm bảo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có đủ vốn để hỗ trợ các nước đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, G-20 không đưa ra được các con số cụ thể. Châu Âu cũng không kêu gọi được quốc gia nào đổ thêm tiền vào Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), vốn đã có kế hoạch mở rộng lên 1.000 tỷ Euro. Giới đầu tư thực sự lấy làm thất vọng về cuộc họp này. Kỳ vọng quá lớn nên hụt hẫng càng to. Thậm chí, có chuyên gia phân tích còn nói rằng, sự thất bại của G-20 cho thấy thế giới đang cận kề bờ vực “tái suy thoái”. Tờ Financial Times nhận định, "kế hoạch hành động" mà các nước cam kết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm hầu như chẳng có gì mới. Tờ báo trích phát biểu của ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao của IMF, khẳng định Hội nghị thượng đỉnh G20 không đưa ra được bất cứ điều gì mới ngoài "những cam kết mập mờ về tương lai và hàng loạt khó khăn bất lợi cho môi trường chính trị ở các nước". Thêm vào đó, hội nghị bắt đầu bằng nỗi lo sợ Hy Lạp bị phá sản và rút khỏi khu vực đồng Euro thì lại kết thúc trong nỗi lo sợ Italy sẽ thay thế vị trí của Hy Lạp để trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Tại hội nghị, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi bác bỏ đề xuất viện trợ của IMF, nhưng chấp nhận để các quan sát viên IMF đến Rome giám sát các chính sách kinh tế của Chính phủ Italy. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, trường hợp của Italy “khác hoàn toàn” so với Hy Lạp, và bởi vậy nước này có thể vỡ nợ sớm. “Bản thân ông Berlusconi biết là sự nghi ngờ không nằm ở các biện pháp mà ở chỗ việc thực hiện các biện pháp ấy như thế nào”, ông Sarkozy nói. Một số chuyên gia tài chính đánh giá quyết định của ông Berlusconi cho thấy, Italy đang dần thay thế Hy Lạp để trở thành trung tâm cơn bão khủng hoảng nợ châu Âu. Nếu các thị trường ngừng cho Italy vay tiền, hậu quả sẽ còn lớn gấp nhiều lần so với “trái bom Hy Lạp”, bởi Italy có GDP lớn thứ ba châu Âu. Nếu nước này vỡ nợ, khủng hoảng sẽ bung bét khắp châu Âu và đẩy toàn bộ hệ thống đồng Euro vào tình trạng phá sản. Như vậy, có thể thấy rằng, hội nghị G-20 không những không đưa ra được bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà còn làm tăng thêm những nguy cơ mới, đáng sợ hơn về khả năng vỡ nợ hệ thống của Khu vực đồng Euro, từ đó đẩy thế giới ngày càng gần hơn tới bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế mới. Và với một kết quả chán nản tới như vậy, việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu, một trong những chương trình nghị sự chính của cuộc họp thượng đỉnh này, một lần nữa lại nhận được “bát canh suông”, với toàn những lời hay ý đẹp nhưng khuôn sáo và chắc chắn là nhà đầu tư toàn cầu lại phải “chờ hồi sau mới rõ”.