Số liệu công bố ngày 22/7 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy trong quý 1/2014, tổng nợ công của 18 nước Eurozone đã tăng lên mức tương đương 93,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với mức 92,7% trong quý liền kề trước đó. Trong toàn bộ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), tổng nợ công cũng tăng từ mức 87,2% lên 88% GDP. Các nước Eurozone có tỷ lệ nợ công cao lần lượt là Hy Lạp (tương đương 174,1% GDP), tiếp đến là Italy (135,6% GDP) và Bồ Đào Nha ( 132,9% GDP). Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo với mức nợ cao như vậy, ba nước trên sẽ khó có thể thanh toán nợ trong tương lai gần. Trong khi đó, Estonia và Bulgaria được đánh giá là có triển vọng kinh tế khả quan khi duy trì tỷ lệ nợ công chỉ ở mức lần lượt là 10% và 20,3% GDP. Trong sáu tháng cuối năm ngoái, nợ công tại Eurozone đã giảm rõ rệt khi nền kinh tế khu vực dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính, nguồn thu của chính phủ tăng khi chi tiêu được kiểm soát. Trên cơ sở đó, một số nước như Hy Lạp (từng hai lần phải viện tới các gói cứu trợ quốc tế) và Pháp vốn đang phải vật lộn với gánh nặng nợ công đã kêu gọi các nước nới lỏng chính sách "thắt lưng buộc bụng" áp dụng lâu nay. EU đặt mục tiêu giữ nợ công dưới mức tương đương 60% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách hàng năm không được vượt quá 3% GDP. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các giới hạn chuẩn này thường xuyên bị phá vỡ, nợ công và thâm hụt ngân sách tăng mạnh trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khi chính phủ các nước buộc phải vay mượn nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.