Đó là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/2016.
Một chính sách đang nhận được nhiều sự quan tâm từ NLĐ là từ tháng 1/2016, Nghị định 122/CP quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016 chính thức được thực hiện. Tại Hà Nội, kết quả bước đầu thế nào và có khó khăn gì không, thưa bà?
- Nghị định 122 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho DN hoạt động tại Hà Nội: Mức 3.500.000 đồng/tháng cho DN vùng I (gồm huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây); mức 3.100.000 đồng/tháng dành cho DN vùng II (các huyện còn lại). Để góp phần giải quyết khó khăn về kinh tế cho NLĐ, làm căn cứ đề xuất thực hiện lương tối thiểu vùng những năm sau, LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền để người sử dụng lao động và CNLĐ thực hiện Nghị định. Trong đó, cần chủ động phối hợp với chủ DN xây dựng lộ trình nâng lương. Theo khảo sát, hầu hết DN đã có quyết định tăng lương theo Nghị định, thu nhập NLĐ tăng bình quân 15%, đạt 4.600.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, NLĐ sống chủ yếu bằng lương, trong khi lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% số CNLĐ tại Hà Nội, phần lớn phải thuê nhà (400.000 - 600.000 đồng/phòng/tháng); điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Nhờ nỗ lực của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc thực hiện lộ trình tăng lương đã phần nào được cải thiện, song mức lương mới đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của NLĐ. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng của TP sớm kiến nghị Hội đồng Tiền lương nâng mức lương tối thiểu vùng lên 18 - 20%.
Cũng liên quan đến quyền lợi NLĐ là Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2016, các cấp công đoàn đã phối hợp với chủ DN ra sao nhằm thực hiện tốt nhất chính sách này?
- Ngày 11/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 115 quy định chi tiết và ngày 29/12/2015, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc. Nhưng thực tế vẫn xảy ra một số bất cập. Để giải quyết, chúng tôi phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật và tổ chức đưa vào cuộc sống thông qua tăng cường tập huấn. Chúng tôi xác định đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và CNLĐ, tập trung hơn cho cơ sở. Cũng nhằm giúp NLĐ hiểu được tính thiết thực, nhân văn của chính sách bảo hiểm, LĐLĐ TP đẩy mạnh phối hợp với BHXH, Sở LĐTB&XH tổ chức đối thoại trực tiếp với chủ DN và CNLĐ. Đồng thời, cùng các cơ quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT; chú trọng xử lý sau thanh tra; góp phần giảm trốn BHXH, BHYT, giả mạo hồ sơ để trục lợi...
Một khó khăn lâu nay với Hà Nội là thiếu nhà ở cho công nhân và thiết chế xã hội đi kèm. Vậy, công đoàn đã phối hợp với chính quyền ra sao để giải quyết?
- TP đã xây dựng thí điểm dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Kim Chung đáp ứng 13.000 chỗ ở cho cả hộ độc thân và hộ gia đình, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng đáp ứng 9.168 chỗ ở và 4 đơn nguyên 15 tầng đáp ứng 3.000 chỗ ở. Bên cạnh đó, công đoàn đã đề nghị TP xây dựng nhà ở xã hội bán trả góp với giá ưu đãi cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giải quyết bức xúc của hàng vạn CNLĐ. Đồng thời, đề nghị TP phê duyệt đề án cho DN xây nhà ở cho CNLĐ ngay tại DN, như: Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam xây 2 tòa gồm 280 phòng ở cho 2.240 công nhân (CNLĐ được miễn toàn bộ tiền ăn, ở); Công ty TNHH Young Fast Optoelectronics Việt Nam xây 3 tòa với 2.000 chỗ ở; Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ xây 106 phòng, đáp ứng 1.000 chỗ ở…
LĐLĐ TP cũng kiến nghị TP xây trường mầm non cho con CNLĐ tại KCN: Mầm non Kim Chung (cơ sở 2) cho 230 cháu, Mầm non Sakura Hoa Anh Đào cho 160 cháu; KCN Phú Nghĩa đã được TP quyết định cho đầu tư nhà trẻ quy mô 230 cháu, khởi công trong năm 2016...
Tới đây, LĐLĐ TP có đề xuất, kiến nghị gì về cơ chế chính sách để chăm lo tốt hơn cho CNLĐ, nhất là vấn đề liên quan đến lương, BHXH và nhà ở?
- Bên cạnh chỉ đạo các sở, ngành tạo thuận lợi nhất cho DN có thêm việc làm để tăng thu nhập cho CNLĐ, TP cần có cơ chế ưu đãi giúp CNLĐ thu nhập thấp có thể thuê hoặc mua nhà, sớm quy định về giá thuê nhà cho từng KCN. Đối với dự án nhà ở KCN Thăng Long đã xong xây lắp, cần sớm được trang bị nội thất và ban hành giá cho thuê của các đơn nguyên 16 tầng. Để đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội tại KCN, TP cần chỉ đạo thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2014) và Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 về “Đẩy mạnh giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở KCN, KCX”. Khi phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN, TP cũng cần quy hoạch đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà ở, nhà trẻ...) cho CNLĐ. Đối với các dự án đã phê duyệt hoặc xây dựng chưa đồng bộ, cần bổ sung kịp thời.
Cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, TP cũng cần chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên giám sát ATTP bữa ăn ca trong DN, để đủ chất và không xảy ra ngộ độc. Công đoàn phải có quyền kiểm tra và nêu gương tốt, chưa tốt trong cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, TP cần có chính sách hỗ trợ hơn trong đào tạo nghề cho NLĐ. Thống kê năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 53,14%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 38,45%. Cùng với chăm lo vật chất, việc làm, tôi cho rằng TP cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa để chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ.
Trước hết, trong dịp 1/5 này, các cấp công đoàn TP sẽ có hoạt động gì hướng về người lao động, thưa bà?
- Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động cao điểm nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động, với phương châm hướng về cơ sở và CNLĐ. Nổi bật là mít tinh kỷ niệm, phát động “Tháng công nhân 2016” cấp TP, tặng quà 1.000 CNLĐ khó khăn; phối hợp với Tổng LĐLĐ tổ chức chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”. Dịp này, LĐLĐ TP còn tuyên dương “Công nhân giỏi” Thủ đô 2016, khám miễn phí cho CNLĐ, đối thoại giữa CNLĐ với lãnh đạo cấp trên, cho CNLĐ vay vốn, giao lưu trực tuyến với CNLĐ về bầu cử…
Xin cảm ơn bà!
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP thăm hỏi công nhân Tổ Môi trường số 2 - Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội. Ảnh: Linh Nguyễn
|
Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản:
Quan tâm xây dựng nhà ở xã hội tại các KCN kèm theo nhà trẻ Để chăm lo tốt hơn đời sống cho CNLĐ trong KCN&CX, đề nghị UBND TP chỉ đạo Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà ở xã hội sớm tạo điều kiện cho CNLĐ được thuê trong khu nhà ở công nhân Kim Chung - hiện có 4 tòa nhà 15 tầng đã xây xong nhưng chỉ 1 tòa có công nhân ở, trong khi rất nhiều CNLĐ đang muốn vào. Chúng tôi cũng đề nghị TP cho xây dựng các khu nhà ở xã hội để bán cho CNLĐ có thu nhập thấp tại các KCN tập trung, kèm theo xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo… |