Dù vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy – HĐND – UBND TP, cụ thể hóa bằng các chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực, đời sống của đồng bào nơi đây đang dần đổi thay từng ngày.
Giảm nghèo, những con số ấn tượng
Con đường bê tông khang trang rộng đẹp dẫn chúng tôi đến với xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Dọc đường, cô bạn cùng hành trình lần đầu đến với Ba Vì thốt lên ngỡ ngàng khi được thấy những đồi chè xanh mướt, trải rộng dài khắp các sườn đồi, đẹp chẳng kém gì những đồi chè nổi tiếng ở thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La).
Trên một ngọn đồi ở thôn 3 (xã Ba Trại), anh Bùi Văn Chí cùng vợ, con đang hối hả hái những búp chè tươi non. Vừa thoăn thoắt hái chè, anh vừa kể,với 5 sào chè hiện có, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được khoảng 3,5 tạ chè khô. Với giá bán từ 150.000 – 200.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 45 triệu đồng/năm. Ở Ba Trại, không riêng gì gia đình anh Chí mà có tới gần 3.000 hộ nông dân khác trông vào cây chè. Nhờ cây chè, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn có “của ăn của để”.
Bà Nguyễn Thị Son – Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, phù hợp với cây chè nên toàn xã có trên 3.200 hộ thì có đến 90% tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè búp khô. Nhiều năm qua, cây chè đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nơi đây. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hàng năm từ 3 – 5 %. Thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt trên 18 triệu đồng/năm…
Cùng với xã Ba Trại, một số xã thuộc huyện Ba Vì, các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô cũng bước đầu lựa chọn thế mạnh, các sản vật phù hợp với địa phương để đầu tư, phát triển. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đã hình thành, tiêu biểu như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng, nuôi lợn rừng, gà đồi theo hướng nông sản sạch ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); vùng chăn nuôi bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì),… Hiệu quả kinh tế từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi đã góp phần quan trọng làm giảm dần hộ nghèo khu vực miền núi từ 18,5% (năm 2011) xuống còn khoảng 5% (ước đạt năm 2015).
Đời sống ngày một nâng cao
Ở thôn Gốc Báng, xã An Phú (huyện Mỹ Đức), ai cũng biết đến trường hợp đặc biệt khó khăn của gia đình chị Bùi Thị Thắm. Sinh được hai người con nhưng cháu thứ hai tên Hồ Quỳnh Hương không may mắc dị tật. Tư liệu sản xuất chỉ vỏn vẹn có một sào ruộng. Để có thêm thu nhập, chồng chị phải lặn lội đi đóng gạch thuê cách nhà gần 6 cây số. Chị Thắm quanh quẩn ở nhà, ai thuê gì làm nấy. Mấy năm trước, hễ mưa to gió lớn là cả nhà phải chạy qua hàng xóm trú nhờ vì lo nhà đổ. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của những ngày đã qua. Mới đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền TP, gia đình chị Thắm được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây căn nhà cấp 4 kiên cố. Dù kinh tế gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng khi được hỏi, chị Thắm rất vui trước sự quan tâm của Nhà nước. Chị lạc quan nói “Nhờ được chính quyền hỗ trợ, giờ “an cư” rồi, vợ chồng tôi sẽ dễ bề tính chuyện “lập nghiệp” hơn”.
Thu hẹp dần khoảng cách vùng miền
Ông Nguyễn Tất Vinh – Trưởng ban Dân tộc TP chia sẻ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND TP về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, TP đã ưu tiên nguồn lực trên 2.000 tỷ đồng để triển khai 307 dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu vực miền núi của Thủ đô, trọng tâm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai có hiệu quả các dự án này đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, qua đó, kéo “miền ngược” về gần hơn với “miền xuôi”. Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trụ sở được bê tông hóa, trên 50% đường trục thôn được cứng hóa. 100% người dân miền ngược đã có điện lưới sinh hoạt và từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất. Các xã khu vực miền núi đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định 370/QĐ-BYT, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của Nhân dân tuyến xã; 100% em nhỏ trong độ tuổi đến trường đã được phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học phổ thông cũng đạt trên 90%...
Có thể khẳng định, trong suốt 5 năm qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc và Nhân dân các khu vực còn nhiều khó khăn. Ông Đào Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các tổ chức, cá nhân thường xuyên quan tâm, chăm lo giúp đỡ người nghèo để họ ổn định đời sống, tự tin vươn lên thoát nghèo.
Tính riêng năm 2014, TP đã trích Quỹ Vì người nghèo gần 12,8 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới 110 ngôi nhà, tặng quà Tết cho 26.925 hộ nghèo trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam triển khai xây sửa 70 ngôi nhà cho đồng bào dân tộc nghèo hai xã Ba Vì (huyện Ba Vì) và An Phú (huyện Mỹ Đức) với tổng số tiền trên 2,12 tỷ đồng…
Những nỗ lực đưa vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô thoát nghèo dù bước đầu đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên khó khăn chưa phải đã hết. Khi đánh giá về những bất cập hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế các xã miền núi, đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc nhìn chung còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phuơng. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa cư dân miền núi và đồng bằng còn cao. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Trình độ dân trí nhìn chung còn thấp… Theo Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt, để thay đổi căn bản đời sống của người dân vùng xã trung tâm cần có thời gian, nhưng trước mắt các sở, ban ngành phải ưu tiên lựa chọn các dự án dân sinh bức xúc đã được TP phê duyệt để tập trung triển khai, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
Vùng sản xuất chè ở xã Ba Trại, Ba Vì.
|