Thua đau trong trận đấu tập
Hôm rồi, đội tuyển quốc gia có trận đấu giao hữu đầu tiên trong chuyến tập huấn dài ngày tại Nhật Bản. Đối thủ của thầy trò ông Miura là đội bóng rất mạnh - Sinh viên Nhật Bản. Chung cuộc, tuyển Việt Nam đã để thua với tỷ số 1 - 3. Sau trận đấu, giới truyền thông đã dành khá nhiều thời gian để "mổ xẻ" thất bại này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các cầu thủ sinh viên Nhật Bản đã dạy cho họ một bài học…
Đội hình xuất phát của tuyển Việt Nam trước trận gặp Sinh viên Nhật Bản.
|
Thực ra thì chuyện thắng - thua trong một trận đấu tập là điều bình thường. Với tuyển Việt Nam, đây là giai đoạn đang tích lũy về thể lực, thử nghiệm về con người nhằm có được sự chuẩn bị tốt nhất cho AFF Cup 2014. Thế nên, trong trận đấu với sinh viên Nhật Bản, tuyển Việt Nam đã sử dụng tổng cộng 27/30 cầu thủ. Mỗi hiệp đấu, ông Miura sử dụng một đội hình và liên tục có sự thay đổi người nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ được vào sân cọ xát.Với một đội hình như vậy, cộng với việc xác định không coi trọng kết quả, tuyển Việt Nam đã thua 1 - 3 và điều đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thế nhưng, kết quả ấy lại bị lôi ra làm chủ đề bàn tán và nhiều người coi đó là một kết quả tệ hại.
Thành công vì… không đọc báo
Sau khi đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup, ông Calisto đã tiết lộ một chi tiết: "Trong thời gian chuẩn bị cho giải đấu, tôi đã yêu cầu học trò không được đọc các tờ báo thể thao vốn thường xuyên chỉ trích đội bóng. Tôi không muốn các học trò và bản thân chịu áp lực về thành tích từ giới truyền thông".
Ông Calisto chọn cách tránh tiếp xúc với bên ngoài bởi không muốn kế hoạch thử nghiệm của mình bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2008, tuyển Việt Nam thua đến 13 trận và ông Calisto đã phải đối diện với áp lực từ chức của giới truyền thông. Nhưng rồi, tất cả những thử nghiệm của nhà cầm quân này lại giúp tuyển Việt Nam có được thứ vũ khí đắc lợi.Không chỉ có ông Calisto, đương kim HLV trưởng Miura cũng chọn cách "đóng cửa rèn quân". Thay vì đối đáp, phản biện những ý kiến chỉ trích, nhà cầm quân này dành tối đa thời gian để giúp các cầu thủ hoàn thiện mình. Ít người biết rằng, trước thềm ASIAD 17, ông Miura chịu nhiều phản ứng từ nội bộ các cầu thủ. Một số cầu thủ còn chọn cách than phiền với báo chí là "HLV không hiểu cầu thủ Việt Nam nên đưa ra bài tập quá nặng". Chỉ có điều, những ý kiến phàn nàn ấy không khiến ông Miura thay đổi quan điểm làm việc và cuối cùng, tuyển Olympic Việt Nam đã có được một nền tảng thể lực và chiến thuật rất tốt.
Bây giờ, đội tuyển quốc gia lại đi những bước đầu tiên trong hành trình chuẩn bị cho AFF Cup 2014. Xem ra, bài học của ông Calisto năm 2008 sẽ có ích cho tuyển Việt Nam khi mà nỗi ám ảnh thành tích vẫn ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận dư luận bóng đá nước nhà.