Sáp nhập và viễn cảnh độc quyền
Mặc dù số phận của VinaPhone và MobiFone cho đến nay vẫn là ẩn số, Bộ TT&TT khẳng định cuối năm mới có câu trả lời chính thức cho đề án tái cơ cấu VNPT, song tại các diễn đàn về lĩnh vực viễn thông, vấn đề này vẫn được đưa ra phân tích, mổ xẻ sôi nổi. Chia sẻ với những thông tin này, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận định, sở dĩ viễn thông Việt Nam phát triển tốt trong 2 năm qua nhờ 3 điều kiện là thay đổi cách thức quản lý Nhà nước, phần nào tách bạch được quản lý Nhà nước và chủ sở hữu Nhà nước (từ những năm 90 của thế kỷ trước), tạo môi trường cạnh tranh hơn và lựa chọn khuyến khích công nghệ tiên tiến.
Một điểm giao dịch MobiFone trên phố Nguyễn Chí Thanh.Ảnh: Thanh Hải
Thế nhưng, hiện nay cấu trúc thị trường viễn thông đang "có vấn đề", nhất là khi Bộ TT&TT chưa đưa ra thông điệp rõ ràng về việc có sáp nhập hay không VinaPhone - MobiFone. Giả sử kịch bản sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone được cơ quan có thẩm quyền thông qua, thị trường cơ bản sẽ nằm trong tay VNPT và Viettel (khoảng 95% thị phần). Trong khi đó, các DN viễn thông nhỏ vẫn đang có nguy cơ "bốc hơi" khỏi thị trường. Nếu không có chính sách phù hợp, thị trường này có nguy cơ quay lại độc quyền. Có lẽ vì vậy, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Quốc tế Ban Mai Việt Nam cho rằng, việc tập trung kinh tế vào 1 - 2 nhà mạng sẽ vô cùng nguy hiểm. Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành cho rằng, trước khi quyết định có sáp nhập VinaPhone - MobiFone hay không phải xem xét lại vấn đề pháp lý trong Luật Cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc cho sáp nhập 2 mạng di động này là tín hiệu không tốt trong cải cách DN.
Nhà mạng nhỏ xin thêm ưu đãi
Trước viễn cảnh sẽ có thêm nhiều cuộc mua bán, sáp nhập làm thay đổi thị trường viễn thông Việt Nam, ông Stephen W.F Sun, Trưởng đại diện Văn phòng điều hành Tập đoàn Hutchisun Telecom (HongKong), đối tác của Hanoi Telecom trong dự án Vietnammobile kiến nghị Bộ TT&TT lưu ý tới các nhà mạng nhỏ đang hoạt động trên thị trường và cho biết: “Dù là nhà mạng nhỏ nhưng tiềm lực về công nghệ, chiến lược quản trị của chúng tôi không thua kém bất cứ đối thủ nào. Mong rằng Bộ TT&TT sớm phân bổ lại tần số - tài nguyên quan trọng nhất để một DN viễn thông hoạt động. Chúng tôi không ngại cạnh tranh với các nhà mạng lớn nhưng để cạnh tranh được, phải có đủ tần số cả 2G và 3G". Cũng như các nhà mạng nhỏ khác, đại diện Vietnammobile mong muốn Bộ TT&TT cho hưởng lợi thế về cước phí, cho phép nhà mạng nhỏ trong vòng 3 - 5 năm được ban hành giá cước hấp dẫn để thu hút khách hàng mới.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT khẳng định: Một trong những yếu tố duy trì cạnh tranh lành mạnh là tài nguyên viễn thông phân bổ cho DN phải đảm bảo công bằng, không tập trung quá nhiều vào một vài DN. Thời gian qua, Bộ chủ quản đã phân bổ tần số 2G khá công bằng. Riêng với tần số 3G, do trước đây Hanoi Telecom dùng chung tần số với EVN Telecom, nay EVN Telecom đã sáp nhập Viettel vì thế Hanoi Telecom cần ngồi lại với Viettel để tìm hướng giải quyết. Nếu khó khăn, Cục Viễn thông sẽ phối hợp Cục Tần số Vô tuyến điện hỗ trợ việc đàm phán của hai bên.
Về cước kết nối, Cục Viễn thông đang phối hợp DN xây dựng Thông tư về giá cước, xác định giá thành dịch vụ viễn thông để Bộ Tài chính góp ý. Dự kiến cuối tháng 9 hoặc trong tháng 10/2012 sẽ ban hành được Thông tư này. Hứa hẹn của đại diện nhà quản lý phần nào khiến các nhà mạng nhỏ yên tâm hơn, song kết quả thực sự thế nào vẫn phải chờ đến cuối năm khi mà câu trả lời cho việc sáp nhập hay cổ phần hóa VinaPhone - MobiFone được rõ ràng.