Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nối dài những nhịp cầu nông sản

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Sau 3 năm thành lập, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (XTTM NN) Hà Nội đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc quảng bá nông, lâm, thủy sản an toàn của Hà Nội, đồng thời kết nối, đưa các nông sản thực phẩm an toàn (NSTPAT) về tiêu thụ tại thị trường TP.

Đồng hành cùng nông sản sạch
Trung tâm XTTM NN Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 5969/QĐ-UBND ngày 1/10/2013 của UBND TP, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN&PTNT làm đầu mối giúp Sở thực hiện các hoạt động XTTM phục vụ công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân, DN sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, sản phẩm làng nghề. Ra đời trong bối cảnh vấn đề ATTP và nhu cầu tìm đầu ra cho sản phẩm NN an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ đang trở nên ngày càng bức thiết, ngay lập tức, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã bắt tay vào việc.

Đoàn công tác của Trung tâm XTTM NN Hà Nội thăm vùng sản xuất rau an toàn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Thiện

Với dân số hơn 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hà Nội mỗi ngày khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau củ các loại. Trong bối cảnh sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu, việc kết nối, hợp tác với các tỉnh, TP khác để đưa NSTPAT về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, nếu để một cách tự phát, thực phẩm chủ yếu được đưa về Thủ đô qua các chợ đầu mối, chợ bán lẻ dẫn tới việc kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP gặp nhiều khó khăn. Trong vòng 3 năm qua, Trung tâm XTTM NN Hà Nội đã tổ chức 22 đoàn cán bộ, DN hoạt động trong lĩnh vực NN của Hà Nội đi kết nối giao thương tại trên 30 tỉnh, thành trong cả nước như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Nội dung liên kết, hợp tác tập trung vào 4 lĩnh vực: Hợp tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Miệt mài làm cầu nối, trong thời gian qua, đã có hàng trăm lượt DN của Hà Nội liên kết, tiêu thụ sản phẩm với trên 50 cơ sở sản xuất tiêu biểu tại các tỉnh, thành, trong đó có trên 40 hợp đồng được ký kết với gần 100 chủng loại sản phẩm đang dần được đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội. Tiêu biểu như mật ong Phong Thổ, miến Dong Tuyên Quang, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi... Riêng Công ty CP Nhất Nam đã chuyển được trên 40 loại sản phẩm tiêu thụ tại hơn 20 siêu thị Fivimart trên địa bàn Hà Nội. “Nhờ có sự kết nối của Trung tâm XTTM NN Hà Nội, chúng tôi đã tìm được nhiều nhà cung cấp nông sản thực phẩm sạch có uy tín, chất lượng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô” - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu chia sẻ.
Nâng vị thế nông nghiệp Thủ đô
Mặc dù là TP Thủ đô, song Hà Nội vẫn còn khu vực nông thôn rộng lớn với diện tích canh tác lúa đạt gần 200.000ha/năm và tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp dẫn đầu cả nước. Tuy chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, song hoạt động mạnh mẽ của lĩnh vực XTTM thời gian qua đã phần nào khẳng định được vị thế của ngành NN Thủ đô. 3 năm qua, Trung tâm XTTM NN Hà Nội đã đưa trên 40 lượt DN của TP chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị, công nghệ xử lý môi trường cho các tỉnh, thành. Tiêu biểu là các sản phẩm như giống bò BBB, gà Mía, vịt Đại Xuyên, giống thủy sản, phân lân Văn Điển, hệ thống biogas composite... Đặc biệt, Trung tâm chính là “bà mối” trực tiếp “se duyên” cho Công ty TNHH Ba Huân về đầu tư xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ là đầu mối thu mua, tiêu thụ trứng gia cầm cho bà con chăn nuôi ở ngoại thành.
Nhằm tạo thêm cơ hội kết nối giao thương và quảng bá sản phẩm tiêu biểu của Thủ đô, trong 3 năm qua, Trung tâm XTTM NN Hà Nội đã đứng ra tổ chức 4 hội chợ chuyên ngành về giống, vật tư và sản phẩm NN, làng nghề. Qua đó đã thu hút hơn 110 lượt tỉnh, thành tham gia, trên 11 vạn khách tham quan, mua sắm với doanh số bán hàng đạt trên 65 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, hoạt động XTTM trong lĩnh vực NN còn được mở rộng với các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Lào, Hàn Quốc… Đồng thời, từ tháng 8/2016 đến nay, Trung tâm còn chủ động triển khai các tuần lễ nhận diện NSTPAT và đặc sản của các tỉnh Nam Bộ, Bắc Bộ tại Hà Nội, "phủ sóng" khắp 12 quận.
Đặc biệt, một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Trung tâm XTTM NN Hà Nội chính là triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản. Hơn 500 dòng sản phẩm nông nghiệp có giấy chứng nhận, nguồn gốc an toàn được cấp mã nhận diện QR code chính thức được vận hành từ tháng 9/2016 mở ra phương thức tiêu dùng mới cho người dân Thủ đô thông qua smartphone.
Thông tin về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm XTTM NN Hà Nội cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục chương trình kết nối giao thương phát triển, tiêu thụ sản phẩm NN với các tỉnh, thành. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm để yên tâm khi sử dụng. Trước mắt, trong tháng 10, Trung tâm sẽ tổ chức Tuần lễ nhận diện NSTPAT Việt tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh NSTPAT trên địa bàn TP.
Mặc dù là đơn vị còn non trẻ của ngành NN Thủ đô, song thời gian qua, Trung tâm XTTM NN Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động hiệu quả, nhất là việc kết nối, giao thương trong lĩnh vực NN với các tỉnh, TP trong khu vực.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Thông qua chương trình XTTM NN của Hà Nội, các DN, cơ sở sản xuất, HTX của tỉnh Nam Định có cơ hội được trao đổi thông tin, tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm rộng lớn, đầy tiềm năng của Thủ đô.
Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định

Nhờ có sự kết nối của Trung tâm XTTM NN Hà Nội, các DN, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP đã rút ngắn được nhiều thời gian, vượt qua các rào cản trong quá trình tiếp cận và tìm các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn.
Ông Hà Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV CleverFood