Dù thừa nhận hoặc chẳng thừa nhận nhưng rốt cục thì ai cũng nghĩ rằng, đằng sau những quyết định “nổi loạn” ấy phải có bàn tay đạo diễn phía sau. Nói cách khác, nhiều kẻ đã và đang làm công việc “bắn tỉa”.
Chuyện không mới
Thật ra thì chuyện “bắn tỉa” hay nói cách khác là “đi đêm” không mới. Nó là vấn đề chung của thế giới bóng đá chứ chẳng riêng gì ở Việt Nam. Khắp năm châu, cả những nền bóng đá lớn cũng vẫn thường xẩy ra tình trạng này.
Một trong những vụ nổi nhất trong vòng chục năm trở lại đây là phi vụ “đi đêm” của Chelsea với hậu vệ Arsenal - Ashley Cole. Vụ này, sau đó cũng lộ ra và mất một thời gian tranh chấp, cuối cùng Ashley Cole vẫn cập bến Stamford Bridge.
Nhắc tới thương vụ này để thừa nhận rằng, dù muốn hay không thì các CLB ở bất cứ nơi đâu vẫn phải chấp nhận một sự thật là họ có thể bị “bắn tỉa” bất cứ lúc nào. Vấn đề còn lại chỉ là cách ứng xử ra sao trong những trường hợp đó cũng như giải pháp nào để phòng ngừa trước những “thiện xạ bắn tỉa” như vậy.
Làm rào cho kín
Gần 1 tháng nay, từ Bắc chí Nam đều xuất hiện thông tin về những cầu thủ đang đòi đi. Tuy chưa ai khẳng định nhưng có một điều rất dễ suy luận, đó là chẳng cầu thủ nào muốn rời CLB hiện tại nếu chưa nhận được sự đảm bảo về một điểm đến mới.
Các CLB cũ tất nhiên cũng có lý khi muốn giữ người. Bởi như trường hợp của Tiền Giang chẳng hạn, nếu cho Long Giang đi sẽ có nguy cơ rã đám cả tập thể. Hay như M.NĐ, vất vả lắm mới đào tạo ra được một con người như Văn Duyệt, giờ có thể lại bị mất trắng thì thật khó chấp nhận!
Nhưng mặt khác, giữ kẻ muốn chạy đi xem ra không phải giải pháp lý tưởng lắm. Bởi giữ được phần xác mà không giữ được phần hồn thì cũng chẳng để làm gì.
Đó là một vấn đề hết sức khó xử. Nhưng tình trạng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì thế, giải pháp duy nhất có lẽ chỉ là các bên cần đối xử với nhau một cách sòng phẳng. Nghĩa là, nếu cầu thủ muốn ra đi thì hãy cứ để họ ra đi. Nhưng điều kiện tất yếu là người mua phải trực tiếp đặt vấn đề một cách cụ thể. Hoặc như trường hợp của các cầu thủ trẻ M.NĐ, thay vì chờ tới ngày hết hợp đồng đào tạo mới nói đến hợp đồng chuyên nghiệp, hãy chủ động lo trước khi việc tới. Bởi suy cho cùng, cầu thủ là người lao động, họ có quyền quyết định có gắn bó tiếp với đơn vị sử dụng mình hay không. Trong trường hợp đã chẳng còn ràng buộc với nhau thì đâu thể ép buộc nhau chỉ bằng cái tình được?!
Muốn không bị “bắn tỉa” chỉ có một cách là làm rào chắn kín kẽ cho mình trên cơ sở hợp đồng đúng luật. Còn nếu không, e rằng, người ta sẽ còn phải nói mãi với nhau về những vụ “bắn tỉa”...